Những năm gần đây công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực, tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số cơ sở sản xuất đã được chấm dứt. Ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân từng bước được nâng lên; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã chú trọng đầu tư công trình xử lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn có những cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp về bảo vệ môi trường, các hoạt động giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường được cấp uỷ, chính quyền tỉnh chú trọng. Hội đồng nhân dân tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã có nhiều phiên thảo luận, chất vấn, giải trình về công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt, năm 2020 Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, kiến nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường. Trên cơ sở đó, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành chức năng, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 23 vụ việc (10 tổ chức, 13 cá nhân) với tổng số tiền phạt trên 2,062 tỷ đồng. Tháng 7/2021, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4 Công ty liên quan tới lĩnh vực khoáng sản và bảo vệ môi trường với tổng số tiền 300 triệu đồng, trong đó Công ty cổ phần Xi măng Tân Quang bị xử phạt 120 triệu đồng; Công ty TNHH Thương mại ô tô Tuyên Quang, Công ty cổ phần Chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Ý, Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh thương mại Bảo Ngọc, mỗi đơn vị bị xử phạt 60 triệu đồng. Ngày 26/01/2022 Ủy ban nhân dân tỉnh đã ra Quyết định số 09/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Xi măng Tân Quang- VVMI về hành vi thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép với số tiền phạt là 3,3 tỉ đồng.
Lãnh đạo UBND tỉnh báo cáo với Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh về công tác bảo vệ môi trường (ngày 10/6/2020). |
Với những nỗ lực lớn, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ý thức và tinh thần trách nhiệm của người dân, môi trường Tuyên Quang đang được bảo vệ khá tốt, các chỉ số cơ bản về môi trường nước, môi trường không khí, môi trường đất đều nằm trong giới hạn quy chuẩn cho phép; chất lượng môi trường đang được đánh giá tốt. Đây là yếu tố rất quan trọng góp phần tăng thu hút đầu tư, cũng là một trong những yếu tố quyết định đến việc phát triển nhanh, bền vững của tỉnh trong thời gian tới.
Tuy vậy môi trường của tỉnh cũng đang đứng trước những thách thức to lớn cần được tập trung giải quyết, xử lý như: Áp lực của chất thải từ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt ngày một gia tăng; sự cố môi trường có nguy cơ xảy ra nếu không có biện pháp kiểm soát hữu hiệu; việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường và trách nhiệm với xã hội tại một số doanh nghiệp vẫn còn có những hạn chế; một số cơ sở sản xuất vận hành công trình xử lý môi trường còn mang tính chất đối phó; một số cơ sở sản xuất nguồn lực tài chính còn hạn hẹn nên gặp khó khăn trong đầu tư các hạng mục bảo vệ môi trường, dễ dẫn tới ô nhiễm môi trường cục bộ, mang tính tức thời do công trình xử lý môi trường gặp sự cố.
Khắc phục những hạn chế này, trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý bảo vệ môi trường, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước gắn với phát triển bền vững; thể chế hóa yêu cầu bảo vệ môi trường trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh gắn với yêu cầu về bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, phát triển bền vững; đồng thời tăng cường vai trò hiệu lực của các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường, tổ chức có hiệu quả các nội dung biện pháp bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ môi trường, công nghệ xử lý, tái chế chất thải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.
Đồng thời tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân; kiên quyết xử lý những cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động gây ô nhiễm môi trường và buộc phải đầu tư khắc phục ô nhiễm; kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường của các cơ quan chuyên môn từ cấp tỉnh đến cơ sở, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành, đoàn thể về quản lý và bảo vệ môi trường trong giai đoạn mới; đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng những điển hình tiên tiến và nhân rộng thành phong trào toàn dân bảo vệ môi trường.