Đồng chí Lê Thị Thanh Trà, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, các cuộc giám sát đều tập trung vào các vấn đề khó, bất cập, nổi cộm; vấn đề lớn, trọng tâm, quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, có tầm ảnh hưởng rộng, được nhiều cấp, ngành, cử tri, nhân dân quan tâm. Để nâng cao hiệu quả giám sát, ở từng cuộc giám sát bảo đảm giám sát toàn diện từ khâu chỉ đạo, tổ chức đến kết quả thực hiện của đối tượng được giám sát, nhưng hết sức chú ý đến những khâu đoạn, vấn đề trọng tâm, đối tượng trọng yếu, để sau giám sát có biện pháp tháo gỡ, giải quyết, những "điểm nghẽn”, “nút thắt” trong công tác chỉ đạo, điều hành. Thành phần Tổ giúp việc đoàn giám sát được lựa chọn kỹ, phù hợp với trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm công tác và tính chất, yêu cầu từng cuộc giám sát.
Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh giám sát chuyên đề về công tác quản lý và bảo trì công trình giao thông đường. |
Hình thức, phương thức tổ chức hoạt động giám sát được đổi mới theo hướng linh hoạt, nâng cao tính công khai, minh bạch. Đặc biệt là chú trọng thực hiện giám sát bằng hình ảnh. Trước mỗi cuộc giám sát, Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh đều chủ động tìm hiểu trước về tình hình triển khai chính sách, pháp luật ở đơn vị, ngành được giám sát để chọn ra nhiều địa điểm khảo sát thực địa. Các đợt giám sát không dàn trải, mà tập trung những nơi đang có vấn đề cần xem xét hoặc những nơi có kết quả tốt; tiếp cận theo nhiều khía cạnh khác nhau để thu thập thông tin chính xác, nhận diện, phân tích rõ những ưu điểm, hạn chế, tồn tại, nguyên nhân... Đặc biệt, HĐND tỉnh thực hiện đối chứng với các kiến nghị của cử tri để đánh giá một cách khách quan trong thực thi chính sách, pháp luật, nhằm tìm ra những kiến nghị xác đáng, kịp thời.
Trước tình hình có nhiều ý kiến cử tri phản ánh những bất cập trong giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai, năm 2021, Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Văn hóa - Xã hội đã giám sát chuyên đề về vấn đề này. Qua giám sát, nhiều tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, nhất là tình trạng giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm trễ, quá thời hạn quy định. Tại thời điểm giám sát, kiểm tra 17 bộ hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình tại huyện Hàm Yên có 12/17 hồ sơ (tỷ lệ 70,6%) có thời gian cấp giấy chứng nhận quá hạn so với quy định; tại huyện Yên Sơn có 08/22 bộ hồ sơ (tỷ lệ 36,36%) có thời gian cấp giấy chứng nhận quá hạn so với quy định, trong đó một số hồ sơ kéo dài thời gian từ 6 tháng đến 12 tháng.
Cuối năm 2021, Thường trực HĐND tỉnh giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri trên địa bàn tỉnh sau kỳ họp thứ nhất, trước và sau kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh khóa XIX. Đoàn giám sát đã đến thực tế ở nhiều địa phương, nhất là những nơi có những phản ánh của cử tri vẫn chưa được giải quyết triệt để. Qua đó, có kết luận chính xác và có những kiến nghị giải quyết kịp thời. Đơn cử như kiến nghị của cử tri xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện cắm lại cột mốc ranh giới giữa hai xã Yên Nguyên và xã Lực Hành (Yên Sơn). Theo đó, khu vực giáp ranh thôn Mục Bài, thôn Làng Mòi (xã Yên Nguyên) đang tranh chấp với thôn Đồng Mán (xã Lực Hành) thuộc đất do UBND xã Yên Nguyên quản lý. Tuy nhiên, cột mốc để xác định đường địa giới giữa hai xã hiện tại không còn, do vậy gây khó khăn trong quá trình thực hiện xử lý việc lấn, chiếm đất rừng phòng hộ tại khu vực Mục Bài.
Giám sát tại thực địa cho thấy trên đất rừng phòng hộ thuộc khu vực tranh chấp một số diện tích không còn rừng, một số diện tích còn gỗ mỡ được trồng trước đây theo dự án trồng rừng nhưng mật độ cây thưa thớt; người dân thôn Đồng Mán, xã Lực Hành vẫn đang canh tác dong riềng, ngô tại diện tích đất rừng phòng hộ trên. Do không đảm bảo tiêu chí rừng phòng hộ nên từ năm 2020 Hạt Kiểm lâm huyện Chiêm Hoá không hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với các hộ dân xã Yên Nguyên. Cử tri xã Yên Nguyên tiếp tục kiến nghị giải quyết việc người dân xã Lực Hành lấn chiếm đất rừng phòng hộ. Còn cử tri xã Lực Hành đề nghị giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng diện tích đất trên cho các hộ dân thôn Đồng Mán vì diện tích đất này đã được các hộ gia đình sử dụng từ những năm 1973. Đoàn giám sát cũng đã làm rõ việc UBND tỉnh đã chỉ đạo khôi phục mốc xác định địa giới hành chính và chỉ đạo các ngành chức năng cùng các địa phương giải quyết dứt điểm vi phạm trong quản lý, sử dụng đất rừng phòng hộ, tranh chấp đất tại khu vực trên.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thanh Trà cho biết, để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát chuyên đề, cùng với các giải pháp đang triển khai, HĐND tỉnh chú trọng bám sát chủ trương, nghị quyết của cấp ủy, nhất là các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, các đề án, chương trình lớn của tỉnh để chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát chuyên đề hàng năm với nội dung giám sát toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tiễn. Cùng với đó, tăng cường phối hợp chặt với các cơ quan, đơn vị và kiên quyết hơn trong đôn đốc, theo dõi, giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.