Trách nhiệm của đại biểu Hội đồng Nhân dân đối với cử tri và nhân dân

Tại Điều 115 Hiến pháp năm 2013 quy định rõ địa vị pháp lý của Đại biểu HĐND: “Đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương”. Theo đó, đại biểu HĐND có trách nhiệm sau:

Đối với cử tri: Đại biểu HĐND phải liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri với HĐND và cơ quan nhà nước hữu quan ở địa phương. Mỗi năm một lần vào cuối năm, kết hợp với việc tiếp xúc cử tri, đại biểu HĐND báo cáo với cử tri ở đơn vị bầu ra mình về hoạt động trong năm, nhiệm vụ năm tới của mình và của HĐND. Sau mỗi kỳ họp HĐND, đại biểu HĐND có trách nhiệm báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp, phổ biến và giải thích các nghị quyết của HĐND, vận động và cùng với nhân dân thực hiện các nghị quyết đó.

Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân: Đại biểu HĐND có nhiệm vụ chấp hành nội quy kỳ họp, tham dự đầy đủ kỳ họp, phiên họp của HĐND, cuộc thảo luận ở Tổ đại biểu HĐND, cuộc họp Ban của HĐND mà đại biểu là thành viên, tham gia các hoạt động khác của HĐND. Khi nhận được thông báo về thời gian, dự kiến chương trình và tài liệu kỳ họp, đại biểu HĐND phải nghiên cứu tài liệu, tiếp xúc cử tri, tham gia các hoạt động của Tổ đại biểu HĐND chuẩn bị cho kỳ HĐND. Trong kỳ họp HĐND, đại biểu HĐND có những nhiệm vụ sau đây: Tham gia thảo luận và quyết định chương trình kỳ họp; Thảo luận tại phiên họp toàn thể và thảo luận ở Tổ đại biểu HĐND về các vấn đề thuộc nội dung, chương trình kỳ họp; Biểu quyết thông qua những vấn đề thuộc nội dung, chương trình kỳ họp.

Trách nhiệm tiếp xúc cử tri, tiếp công dân: Trong thời gian giữa hai kỳ họp, đại biểu HĐND có nhiệm vụ tiếp xúc cử tri ở đơn vị bầu cử của mình, phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân với HĐND và các cơ quan Nhà nước, báo cáo kết quả kỳ họp với cử tri, tuyên truyền thực hiện tốt pháp luật. Đại biểu HĐND tiếp công dân nhằm thu thập ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của công dân; giải thích, tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho công dân; hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và nhận đơn thư của công dân để chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Khi nhận được ý kiến, kiến nghị của công dân, đại biểu HĐND xem xét, nghiên cứu để phản ánh tới Thường trực HĐND hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Khi nhận được khiếu nại, tố cáo của công dân, đại biểu HĐND có trách nhiệm nghiên cứu và hướng dẫn công dân gửi khiếu nại, tố cáo đến đúng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Trong trường hợp cần thiết, đại biểu HĐND trực tiếp hoặc thông qua Thường trực HĐND chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để xem xét giải quyết. Đại biểu HĐND có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Đại biểu HĐND tiếp công dân phải tổng hợp ý kiến, kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân để báo cáo Thường trực HĐND.

Cụ thể hóa hơn quy định của Hiến pháp về trách nhiệm tiếp công dân của đại biểu dân cử, ngày 15/5/2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 759/2014/UBTVQH13 quy định chi tiết về hoạt động tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, ĐBQH, HĐND và đại biểu HĐND các cấp. Theo đó, đại biểu HĐND các cấp có trách nhiệm tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Thường trực HĐND cấp tỉnh, Thường trực HĐND cấp huyện, Chủ tịch HĐND cấp xã có trách nhiệm tổ chức để đại biểu HĐND cấp mình tiếp công dân.

Đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện việc tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cùng cấp và tại nơi tiếp công dân ở địa phương mà đại biểu ứng cử theo sự bố trí của Thường trực HĐND cùng cấp. Trường hợp đại biểu HĐND chuyển sinh hoạt đến địa phương khác trong cùng đơn vị hành chính cấp đại biểu được bầu thì thực hiện việc tiếp công dân ở nơi chuyển đến.

Đại biểu HĐND cấp xã thực hiện việc tiếp công dân tại Trụ sở UBND cấp xã. Đại biểu HĐND cấp tỉnh, đại biểu HĐND cấp huyện thực hiện việc tiếp công dân theo sự bố trí của Thường trực HĐND cùng cấp; đại biểu HĐND cấp xã tiếp công dân theo sự bố trí của Chủ tịch HĐND cấp xã. Đại biểu HĐND các cấp thực hiện việc tiếp công dân theo lịch tiếp công dân đã được công bố. Trường hợp không thể thực hiện được việc tiếp công dân theo lịch tiếp công dân đã được công bố do có lý do chính đáng thì đại biểu HĐND có trách nhiệm thông báo đến Thường trực HĐND cấp tỉnh, Thường trực HĐND cấp huyện hoặc Chủ HĐND cấp xã để điều chỉnh lịch; đồng thời dự kiến thời gian cụ thể thực hiện việc tiếp công dân./.

Phòng DN-TT-TT

Tin cùng chuyên mục