Tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND chính là căn cứ mà cơ quan, người có thẩm quyền, cử tri và nhân dân dựa vào đó để đánh giá một hoạt động giám sát cụ thể của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. Tuy nhiên, do nội dung, hình thức giám sát của HĐND rất rộng và đa dạng nên việc xác định tiêu chí để đánh giá hoạt động này của HĐND rất khó. Pháp luật hiện hành cũng chưa quy định về tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND. Qua thực tiễn có thể xác định căn cứ hay các tiêu chí để đánh giá hoạt động giám sát của HĐND bao gồm:
- Hiệu lực thi hành các kiến nghị của hoạt động giám sát.
Hiệu lực thi hành các kiến nghị của hoạt động giám sát chính là giá trị thi hành các kiến nghị đó, tức là kiến nghị của chủ thể giám sát được đối tượng giám sát tiếp thu, thực hiện. Muốn vậy các kiến nghị đưa ra phải đúng, trúng, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, điều kiện thực tế của địa phương, của đối tượng giám sát... để qua việc tiếp thu, thực hiện các kiến nghị đó của đối tượng chịu sự giám sát, vấn đề giám sát được triển khai thực hiện tốt hơn.
Kiến nghị của chủ thể giám sát chỉ có thể đúng và trúng khi nó được căn cứ trên cơ sở thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động giám sát, đảm bảo về thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục giám sát. Những quy định này đòi hỏi khi xây dựng kế hoạch giám sát phải cụ thể, chi tiết, xác định rõ nội dung, đối tượng, thời điểm, phương pháp tiến hành, phân công tổ chức, cá nhân thực hiện giám sát. Nội dung, đối tượng giám sát phải phù hợp, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, các hoạt động của địa phương; có trọng tâm, trọng điểm; thời điểm tiến hành giám sát phải thích hợp.
- Mức độ đạt được của kết quả giám sát so với mục đích giám sát đã đề ra.
Đây là căn cứ quan trọng nhất mà cơ quan, người có thẩm quyền dựa vào đó để đánh giá hoạt động giám sát. Mỗi hoạt động giám sát cụ thể có những mục đích cụ thể phù hợp với đặc điểm, tính chất của cuộc giám sát. Khi đánh giá hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND phải dựa vào căn cứ này và cần thực hiện các công việc như: Xem xét một cách kỹ lưỡng mục đích được đề ra ban đầu cho hoạt động giám sát; đối chiếu kết quả của hoạt động giám sát với mục đích và xác định mục đích đề ra có đạt được hay không; mục đích đề ra đạt được như thế nào, có thể ước lượng được bao nhiêu phần trăm; nguyên nhân của việc không đạt được mục đích đề ra là gì. Nếu nguyên nhân đó do chủ quan của chủ thể giám sát, của quá trình chuẩn bị giám sát (như kế hoạch giám sát, nhân lực tham gia giám sát, thời điểm thực hiện hoạt động giám sát...) thì hiệu quả giám sát sẽ giảm. Nếu nguyên nhân đó do một yếu tố mới xuất hiện, hoàn toàn do khách quan mang lại thì có thể xem xét khi đánh giá hiệu quả của hoạt động giám sát đó. Giám sát của HĐND, của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và các đại biểu HĐND chỉ được đánh giá có hiệu quả khi kết quả các hoạt động giám sát đó đạt được như mục đích đề ra ban đầu.
- Tác động của hoạt động giám sát đến đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác quản lý nhà nước ở địa phương.
Hoạt động giám sát của HĐND có vai trò bảo đảm việc thực thi Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của HĐND, trên cơ sở đó đảm bảo HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương đại diện cho nhân dân, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát; góp phần hoàn thiện thể chế, bộ máy nhà nước. Với vai trò quan trọng trên đây, hoạt động giám sát của HĐND có tác động quan trọng đến hoạt động của đối tượng giám sát, đến quá trình phát triển của địa phương. Vì vậy, khi đánh giá hiệu quả hoạt động giám sát phải căn cứ vào tác động của hoạt động giám sát, xem xét tác động của hoạt động giám sát đối với các khía cạnh: chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật và quản lý nhà nước. Đây là tiêu chí phức tạp nhất vì giám sát của HĐND có phạm vi rộng, những biến đổi do sự tác động giám sát của HĐND nhiều khi không chỉ phát sinh trực tiếp từ đối tượng giám sát mà còn ảnh hưởng tích cực đến các đối tượng liên quan. Khi xem xét những kết quả thực tế do giám sát của HĐND cần tính tới cả những biến đổi tích cực và biến đổi tiêu cực.
Bên cạnh đó, sự chuyển biến của tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn sau khi có hoạt động giám sát của HĐND cũng chính là thước đo tác động, hiệu quả của hoạt động giám sát. Thông qua giám sát chủ thể giám sát chỉ ra những hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện và đưa ra những kiến nghị với đối tượng giám sát. Việc tiếp thu, đồng thời với giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện sẽ giúp cho vấn đề giám sát được thực thi hiệu lực, hiệu quả hơn, góp phần tích cực vào việc phát triển KTXH, đảm bảo QPAN tại địa phương. Ngoài ra trong quá trình giám sát, chủ thể giám sát có thể phát hiện ra những bất cập trong quy định của pháp luật, sự không phù hợp trong cơ chế, chính sách của Trung ương, địa phương, trên cơ sở đó có những kiến nghị để sửa đổi, bổ sung và nó sẽ góp phần làm thay đổi KTXH, QPAN của địa phương theo hướng tích cực.
- Kết quả đạt được so với chi phí bỏ ra.
Chi phí ở đây bao gồm nhân lực, vật lực, thời gian...dành cho hoạt động giám sát. Về nguyên tắc, chi phí đầu tư cho việc giám sát cần ở mức thấp, đủ để chủ thể thực hiện hoạt động giám sát nhưng kết quả đạt được phải ở mức cao nhất thì mới đảm bảo hiệu quả giám sát.
Như vậy, các tiêu chí để đánh giá hoạt động giám sát của HĐND bao gồm: Hiệu lực thi hành các kiến nghị của hoạt động giám sát; mức độ đạt được của kết quả giám sát so với mục đích giám sát đã đề ra; tác động của hoạt động giám sát đến đời sống KTXH, QPAN, công tác quản lý nhà nước ở địa phương; kết quả đạt được so với chi phí bỏ ra. Sử dụng các tiêu chí trên khi đánh giá hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND sẽ giúp cho quá trình đánh giá được toàn diện, từ đó thấy được hạn chế của hoạt động giám sát (nếu có) để có giải pháp khắc phục cụ thể.