Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy thảo luận tại Hội trường về kết quả giám sát giải quyết kiến nghị cử tri

Chiều 23/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ bảy, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp.


Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy phát biểu thảo luận.

Tham gia thảo luận, đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV tỉnh cơ bản đồng tình với nhận định, đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát kết quả giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV. Đánh giá cao các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và nhất là Chính phủ và các bộ, ngành đã rất quan tâm, cố gắng nỗ lực, cầu thị, tích cực, chủ động trong công tác giải quyết kiến nghị của cử tri. Nội dung giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu; nhiều kiến nghị cụ thể của cử tri đã được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải đáp đầy đủ về những vấn đề cử tri địa phương quan tâm. Một số kiến nghị của cử tri chưa có điều kiện giải quyết ngay cũng được các bộ, ngành đưa ra giải pháp, lộ trình cụ thể để giải quyết, điều đó thể hiện tinh thần, trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri, tránh tình trạng trả lời chung chung, cũng là cơ sở để Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của các bộ, ngành.


Toàn cảnh phiên thảo luận.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết kiến nghị của cử tri trong thời gian tới, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm một số nội dung như sau:

Đối với các vấn đề chung về giải quyết kiến nghị cử tri: Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội có nhiều hình thức hơn nữa trong công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của các bộ, ngành trung ương; cần rà soát những ý kiến hứa sẽ tiếp thu, hoặc tiếp thu nghiên cứu giải quyết tại các văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri để có kế hoạch theo dõi, đeo bám và chỉ rõ những kiến nghị chưa trả lời, giải quyết của những kỳ trước, để tiếp tục đôn đốc, giám sát việc thực hiện, tránh tình trạng tiếp thu chung chung, không có giải pháp và hướng giải quyết cụ thể; nên công khai, minh bạch việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri trên các phương tiện thông tin đại chúng; Chính phủ, các bộ, ngành nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong việc phối hợp xem xét, giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri theo đúng quy định. Cần có văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri riêng cho mỗi tỉnh, thành phố, không nên trả lời chung tại một văn bản, gây khó khăn trong quá trình theo dõi, cập nhật, thống kê thông tin đến cử tri; một số kiến nghị cử tri liên quan đến sự không thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật hoặc giữa quy định của đảng với pháp luật của nhà nước… gây khó khăn cho việc áp dụng thực hiện, đề nghị các bộ, ngành có liên quan khẩn trương nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung đảm bảo tính phù hợp, khả thi của văn bản pháp luật và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đối với các vấn đề kiến nghị cử tri cụ thể, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh quan tâm đề nghị một số nội dung như:

Về Bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh cá thể: Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội thì chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.Tuy nhiên trên thực tế, từ năm 2003, do thiếu hiểu biết về chính sách thu BHXH bắt buộc tại BHXH một số địa phương và hộ kinh doanh cá thể. Mặc dù sau khi có chỉ đạo của BHXH Việt Nam, các địa phương đã dừng thu BHXH bắt buộc đối với nhóm đối tượng này và hướng dẫn chuyển sang đóng BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, tính đến ngày 30/9/2016, cả nước có hơn 4200 chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng BHXH, trong đó có nhiều trường hợp đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định nhưng chưa được giải quyết đã gửi đơn thư khiếu kiện… Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, báo cáo và đề xuất phương án giải quyết dứt điểm kiến nghị cử tri đối với tình trạng thu bảo hiểm xã hội bắt buộc không đúng quy định của pháp luật đối với chủ hộ kinh doanh cá thể.

Về các kiến nghị cử tri chưa có lộ trình giải quyết: Đề nghị Các bộ, ngành tập trung giải quyết dứt điểm các kiến nghị cử tri gửi đến các kì họp trước, trong đó đáng chú ý là 7 kiến nghị chưa có lộ trình giải quyết đã được nêu tại phụ lục 9 của báo cáo giám sát.


Quang cảnh phiên thảo luận.

Về giải quyết kiến nghị cử tri của các bộ, ngành: Theo báo cáo giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, hầu hết việc trả lời giải quyết kiến nghị cử tri là cung cấp thông tin, giải trình (chiếm 83,7% tổng số kiến nghị cử tri được xem xét, giải quyết, trả lời). Các bộ, ngành chủ yếu báo cáo nêu những việc đã làm, đã triển khai, tăng cường kiểm tra, xử lý… Tuy nhiên nhiều lĩnh vực cử tri có kiến nghị vẫn diễn biến phức tạp, vẫn được đông đảo cử tri quan tâm như tình trạng lừa đảo qua không gian mạng, đảm bảo an ninh trên không gian mạng; ngăn chặn tin nhắn và cuộc gọi lừa đảo; gây phiền hà cho nhân dân như cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất….Phó trưởng đoàn dại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị, những vấn đề cử tri kiến nghị như trên cần có sự chuyển biến tích cực về thực chất, do đó trong đánh giá việc giải quyết kiến nghị cử tri của các bộ, ngành, bên cạnh xem xét các hoạt động đã triển khai, cần đánh giá sự chuyển biến thực chất của vấn đề cử tri nêu./.

Bách Chiến

Tin cùng chuyên mục