Quang cảnh phiên họp thảo luận Tổ.
Tham dự thảo luận tại Tổ có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương, các vị đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố: Tây Ninh, Đà Nẵng, Sơn La và Tuyên Quang.
Đại biểu Quốc hội tại Tổ thảo luận cơ bản đồng tình với các Báo cáo của Chính phủ về các nội dung thảo luận. Đánh giá cao Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, điều hành quyết liệt và có nhiều quyết sách kịp thời, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội năm 2024…
Đại biểu Quốc hội Lò Thị Việt Hà phát biểu.
Về Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Lò Thị Việt Hà đề nghị một số nội dung như: Chính phủ cần rà soát, đánh giá lại việc sắp xếp cơ sở đã thực sự hiệu quả chưa để từ đó có những giải pháp để điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế ở cơ sở và đúng với chủ trương giảm đầu mối nhằm nâng cao hiệu quả đơn vị sự nghiệp công lập…
Về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, đại biểu Lò Thị Việt Hà nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban xã hội của Quốc hội, đồng thời đề nghị cần tập trung tuyên truyền chính sách pháp luật về bình đẳng giới cho cả nam và nữ chứ không chỉ cho nữ giới; đề nghị Chính phủ sớm quan tâm đến các quyền của người cao tuổi. Theo đại biểu, Nhóm này là nhóm dễ bị tổn thương, số lượng và tỷ lệ sẽ ngày càng tăng, vì vậy Nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu, có hướng dẫn để người cao tuổi học tập, nghiên cứu, làm việc phù hợp, đảm bảo thu nhập không bị phụ thuộc, đồng thời không bị phân biệt đối xử, để họ có thể phát huy kinh nghiệm của mình; quan tâm đến phân tách giới khi già hóa dân số để có biện pháp thực hiện bình đẳng giới trong chính sách cho người cao tuổi…
Đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai phát biểu.
Đại biểu Âu Thị Mai cho rằng, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em còn nhiều vấn đề nóng, bức xúc cần tập trung, đầu tư giải quyết. Tình hình xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cả về số vụ, số đối tượng xâm hại trẻ em và số trẻ em bị xâm hại. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ trẻ em bị xâm hại trong môi trường gia đình, nhiều vụ có nhiều đối tượng gây hại hoặc xâm hại nhiều trẻ em, có nhiều vụ việc nghiêm trọng, dã man, gây bức xúc trong dư luận xã hội và lo lắng, bất an cho các gia đình. Báo cáo của Chính phủ nhiều năm liền đều xác định đây là vấn đề tồn tại trong công tác bảo vệ trẻ em, nhưng chưa phân tích, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm chính và chưa có giải pháp khả thi để khắc phục. Bên cạnh đó, bạo lực học đường vẫn diễn ra ở nhiều địa phương và có những vụ nghiêm trọng, trở thành mối lo ngại của nhiều gia đình, nhà trường, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Chính phủ, các bộ ngành đã triển khai nhiều giải pháp, tăng cường truyền thông nhưng tình trạng này vẫn không giảm. Do vậy, đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung thông tin về các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng nêu trên…
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm đề xuất giải pháp quản lý, phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để kịp thời bảo vệ thanh, thiếu niên; bổ sung vào báo cáo tình hình vi phạm pháp luật của trẻ em và người chưa thành niên, xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm chính dẫn tới việc tăng đột biến người chưa thành niên vi phạm pháp luật thời gian gần đây và đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới, đồng thời rà soát, xem xét lại các số liệu để bảo đảm độ tin cậy; Chính phủ, các cơ quan chức năng cần có giải pháp căn cơ để xử lý, ngăn chặn và phòng chống các hành vi phạm tội trên không gian mạng; Chính phủ cần phải có giải pháp căn cơ, hữu hiệu để hạn chế tối đa tình trạng rút BHXH một lần…
Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại Hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV./.