Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV

Sáng ngày 20-5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.

Tham dự phiên khai mạc có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội khóa XV.

 Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khoá XV sẽ tiến hành theo 02 đợt: Đợt 1 từ ngày 20/5 đến sáng ngày 8/6/2024, Đợt 2 từ ngày 17/6 đến sáng ngày 28/6/2024.


Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì, phát biểu khai mạc Kỳ họp.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án Luật, gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (theo quy trình tại một kỳ họp).

Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 03 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật tại kỳ họp.


Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang tham dự phiên khai mạc kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.

Về các vấn đề kinh tế - xã hội: Quốc hội xem xét, quyết định về bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022. Xem xét, quyết định về một số dự án sử dụng nguồn dự phòng chung; về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030...

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn; thực hiện giám sát tối cao chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15; xem xét Báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6; xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025...

Về công tác nhân sự cấp cao, tại Kỳ họp này Quốc hội cũng sẽ bầu Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội.

Phát biểu khai mạc Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phân tích khách quan, toàn diện, tập trung vào những vấn đề lớn, những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành, nhất là công tác dự báo, dự toán ngân sách nhà nước; bám sát các yêu cầu, mục tiêu, giải pháp tại các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội để đánh giá đúng những kết quả quan trọng đã đạt được, những bất cập, hạn chế, yếu kém, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách năm 2024; phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước cũng như sự mong đợi của cử tri và Nhân dân cả nước..


Quang cảnh Phiên khai mạc.

Tham dự kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang gồm có 06 đại biểu, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh được Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội phân công làm tổ trưởng tổ thảo luận số 11 gồm các Đoàn: Tuyên Quang, Tây Ninh, Đà Nẵng, Sơn La.

Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia Kỳ họp thứ bảy đạt chất lượng, hiệu quả. Trước kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang và các vị đại biểu Quốc thội đã tham gia góp ý kiến về dự kiến chương trình, các nội dung kỳ họp; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri; tổ chức lấy ý kiến góp ý bằng văn bản, tổ chức các hội nghị xây dựng pháp luật về một số dự án luật để Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp; gửi phiếu chất vấn đến Tổng Thư ký Quốc hội để chuyển đến người có trách nhiệm trả lời và tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, chú trọng nghiên cứu kỹ tài liệu, tham vấn chuyên gia, nắm bắt tình hình thực tế để nâng cao chất lượng nội dung phát biểu, tập trung phân tích, đánh giá, kiến nghị các giải pháp thiết thực vì quyền lợi của Nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp./.

Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục