Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy tham dự Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

Sáng ngày 07-9-2022, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội đã long trọng khai mạc Hội nghị đại biểu hoạt động chuyên trách thảo luận một số Dự án Luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Dự khai mạc Hội nghị có các đồng chí: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV. Đồng chí Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị và phát biểu khai mạc.


Các đại biểu dự hội nghị.

Hội nghị đại biểu hoạt động chuyên trách diễn ra trong 02 ngày để cho ý kiến về 06 dự án luật và 01 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ quán triệt Nghị quyết của Đại hội lần thứ XIII của Đảng và chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát huy mạnh mẽ vai trò, vị trí của Quốc hội trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội khóa XV đã tổ chức thành công 04 kỳ họp, ban hành 8 luật, cho ý kiến 6 dự án luật khác, ban hành 62 nghị quyết với sự thống nhất, đồng thuận cao. Đây là kết quả của quá trình phối hợp chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội , Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan, kết hợp với việc phát huy dân chủ, tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của cử tri và Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các bậc lão thành cách mạng, các chuyên gia, nhà khoa học…; trong đó, có sự đóng góp quan trọng, tích cực, trách nhiệm, tâm huyết, hiệu quả của các vị đại biểu Quốc hội  nói chung và đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nói riêng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và đất nước, tham gia đầy đủ các phiên họp, thể hiện rõ vai trò cầu nối giữa thực tiễn với lý luận, giữa tâm tư, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân với các quyết sách trình Quốc hội xem xét thông qua; tranh thủ tối đa thời gian, cơ hội để nghiên cứu, trao đổi, tranh luận, phản biện với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nhằm đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc về các dự thảo. Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội chuyên trách  sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật với mục tiêu đảm bảo chất lượng cao nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 4.

Sau phiên khai mạc, các vị đại biểu nghe Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) và tham gia thảo luận vào dự thảo Luật.


Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy phát biểu tại hội nghị.

Tham gia phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy thống nhất cao với báo cáo tiếp thu, giải trình và nội dung dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đồng thời đề nghị quan tâm một số nội dung:

Về xây dựng, ban hành Kế hoạch thanh tra tại Điều 44: Đề nghị giữ nguyên thẩm quyền ban hành kế hoạch thanh tra hằng năm như Luật Thanh tra năm 2010 (Giám đốc sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xem xét, phê duyệt kế hoạch thanh tra chậm nhất vào ngày 15 tháng 12 hằng năm). Đại biểu cho rằng, thực tế nội dung, đối tượng thanh tra chuyên ngành của Sở thường là cá nhân, tổ chức nhỏ, lẻ (thường không sử dụng phần quản lý văn bản) nên khi tổng hợp thành một Kế hoạch thanh tra của tỉnh sẽ rất nhiều nội dung, đối tượng nên sẽ gây khó khăn khi thực hiện quy định gửi kế hoạch thanh tra cho đối tượng thanh tra. Cũng tại điều này, Phó Trưởng đoàn đề nghị bổ sung quy trình về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thanh tra hằng năm để thuận lợi hơn cho việc tổ chức thực hiện của thủ trưởng cơ quan quản lý cấp huyện, cấp sở.

Về Nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong quá trình thanh tra: Xuất phát từ hoạt động quản lý, khó tránh khỏi việc chồng chéo, trùng lặp giữa các ngành, lĩnh vực và nội dung quản lý, thẩm quyền, chức năng của các cơ quan thanh tra vẫn có sự đan xen, giao thoa. Vì vậy, để bảo đảm hoạt động thanh tra đạt được hiệu lực, hiệu quả trên thực tế, tránh tình trạng chồng chéo, trùng lặp (đặc biệt là trường hợp cấp dưới đã tiến hành thanh tra, nhưng cấp trên lại tiếp tục thanh tra) khi thực hiện chức năng của mình, góp phần giảm thiểu việc phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra, đề nghị cần bổ sung quy định khi có chồng chéo, trùng lặp thì cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hoạt động chính của đối tượng thanh tra chủ trì chỉ thành lập một đoàn thanh tra.


Quang cảnh hội nghị.

Đề nghị xem xét, điều chỉnh, bổ sung nội dung "Cộng tác viên thanh tra" vào dự thảo luật để đảm bảo ra được kết luận thanh tra một cách chính xác, trong nhiều cuộc thanh tra, khi xét thấy không có thanh tra viên nào đáp ứng được những yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ nhất định mà nhiệm vụ thanh tra đặt ra, cơ quan thanh tra tiến hành trưng tập cộng tác viên thanh tra tham gia đoàn thanh tra để thực hiện những nhiệm vụ nhất định của cuộc thanh tra. Qua đó, sẽ bổ sung, hỗ trợ về mặt chuyên môn, nghiệp vụ thuộc ngành, lĩnh vực nhất định cho Đoàn thanh tra, góp phần đảm bảo tính đúng đắn, chính xác của kết luận thanh tra, nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra.

Về xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo: Phó Trưởng đoàn đề nghị nghiên cứu, chỉnh sửa quy định theo hướng tăng thời gian hoặc quy định đó là thời gian tối thiểu để đối tượng thanh tra có thời gian chuẩn bị, xây dựng, hoàn thiện báo cáo, phục vụ tốt hoạt động của Đoàn Thanh tra vì thời hạn “05 ngày làm việc” là quá ngắn để đối tượng thanh tra xây dựng báo cáo đảm bảo đầy đủ, chất lượng, chính xác theo đề cương yêu cầu báo cáo của Đoàn thanh tra.

Về Thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra (Điều 73): Phó Trưởng đoàn đề nghị nghiên cứu, xem xét về sự cần thiết của việc thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra với các lý do: Thứ nhất, Đoàn thanh tra hoạt động độc lập, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Người ra quyết định thanh tra. Thứ hai, Người được giao thẩm định, muốn có đủ cơ sở pháp lý, đủ căn cứ thẩm định thì phải tiến hành kiểm tra, xác minh, theo quy định tại khoản 2 “Người thực hiện thẩm định có trách nhiệm thu thập tài liệu, tiến hành thẩm định, xây dựng báo cáo kết quả thẩm định…”, về bản chất việc thẩm định này cũng giống như cuộc thanh tra. Như vậy, cuộc thanh tra đó sẽ tiến hành 2 lần, không đảm bảo nguyên tắc “Không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung giữa các cơ quan thanh tra, giữa cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm toán nhà nước và các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát khác” được quy định tại khoản 3, Điều 4 của dự thảo Luật. Thứ ba, việc thẩm định sẽ phải có thời gian nhất định để thực hiện, như vậy sẽ ảnh hưởng đến thời hạn ban hành kết luận thanh tra.

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị cần xem xét bổ sung quy định thời gian tối đa được tạm dừng cuộc thanh tra (Điều 66) để tránh việc tạm dừng bị lợi dụng; chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục tạm dừng cuộc thanh tra. Bên cạnh đó, cần xem xét quy định về đình chỉ thanh tra với lý do chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, vì việc chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra đã có các nguyên tắc để xử lý.

Sau phiên thảo luận, cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra đã báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, đồng thời tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) trình xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Nguyễn Hạnh
Ảnh: Báo ĐBND

Tin cùng chuyên mục