Đồng chí Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy tham gia Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

Ngày 13 - 9, Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương làm Trưởng đoàn tiếp tục thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo, gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2021” tại tỉnh Lai Châu.

Đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV tỉnh Tuyên Quang, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tham gia thành viên đoàn giám sát.

Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Lai Châu.

Đoàn đã giám sát đi kiểm tra thực địa tại cửa khẩu Ma Lù Thàng (xã Ma Ly Pho), đường biên giới xã Mù Sa, xã Vàng Ma Chải tiếp giáp với Trung Quốc, Đoàn trực tiếp làm việc với lãnh đạo xã Pa vây Sử, lãnh  đạo Huyện Phong Thổ và Đoàn Kinh tế quốc phòng 356 tại huyện Phong Thổ và làm việc với Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu.

Qua giám sát thực tế và trao đổi với UBND tỉnh, Đoàn giám sát nhận thấy, những năm qua, tỉnh Lai Châu đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, phát huy nguồn lực của địa phương cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, việc thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo bền vững đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, bước đầu đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 89/108 xã đạt chuẩn nông thôn mới (bằng 82,40%); 89/108 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, mặt đường được cứng hóa đạt 100%; 201/211 thôn, bản có đường ô tô hoặc xe máy đến trung tâm bản (chiếm tỷ lệ 95,26%) đảm bảo đi lại thuận lợi. Tại các xã trong vùng biên giới tỷ lệ học sinh đến trường tăng so với thời kỳ trước; dân số trong độ tuổi từ 15 tuổi đến 60 tuổi mù chữ chiếm 6% (giảm 13% so với năm 2016); hoạt động thông tin liên lạc về cơ bản được thông suốt. Tại hai bên biên giới Việt - Trung được duy trì mối quan hệ dân tộc, thân tộc sâu sắc; công tác quản lý Nhà nước về biên giới được lực lượng chức năng của hai nước duy trì nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả…

Đoàn giám sát Hội đồng dân tộc của Quốc hội tặng quà tại huyện Phong Thổ.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện các chính sách kinh tế-xã hội, giảm nghèo gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lai Châu còn một số tồn tại, hạn chế như: Kinh tế của 22 xã biên giới phát triển còn chậm, chưa bền vững, chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế của vùng, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, chất lượng giáo dục, chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân còn chưa cao; cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, đường giao thông nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định...

Các thành viên Đoàn giám sát chuyên đề của Hội đồng Dân tộc đánh giá cao sự nỗ lực của địa phương trong thực hiện đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội giảm nghèo gắn với đảm bảo quốc phòng-an ninh khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2021; Đoàn giám sát đã có nhiều ý kiến đánh giá làm rõ về kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện.


Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy phát biểu.

Phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Lai Châu, đồng chí Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy đề nghị UBND tỉnh Lai Châu bổ sung, làm rõ một số nội dung như: về thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia; Số xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; số huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhất là xã, huyện biên giới, về số hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các xã khu vực biên giới; so sánh với tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của từng huyện và của cả tỉnh để có biện pháp, giải pháp, bố trí nguồn lực thực hiện trong giai đoạn tới; nêu rõ hơn trong giai đoạn 2016 - 2021 đã bê tông hóa được bao nhiêu tuyến với tổng độ dài tại các xã khu vực biên giới, tỷ lệ % so với tổng nhu cầu cần thực hiện và kế hoạch bê tông hoá giao thông nông thôn giai đoạn tiếp theo; đánh giá về hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp; đánh giá thêm về phát triển kinh tế lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, khai thác, chế biến khoáng sản nhất là đối với một số loại có thế mạnh của tỉnh.

Về lĩnh vực Y tế- Giáo dục, thông tin… Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị tỉnh Lai Châu bổ sung về giải pháp xóa mù chữ (hiện còn 6%); giải pháp huy động học sinh trong độ tuổi đi học (nhất là đối với bậc THPT hiện mới đạt 51%); đồng thời đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và có giải pháp để tăng số lượng người tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn (hiện nay tỷ lệ cấp thẻ đạt 90,4%, chủ yếu do ngân sách hỗ trợ) vì đây là một trong những chính sách hết sức quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội…số bản chưa được phủ sóng điện thoại và chưa có mạng Internet còn cao 239 bản, ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, tỉnh nên có giải pháp cụ thể.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương đề nghị làm rõ hiệu quả các chính sách kinh tế - xã hội, giảm nghèo gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2021; đề nghị các cấp, các ngành và các địa phương tỉnh Lai Châu tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân trong tỉnh./.

Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục