Đồng chí Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy tham gia Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc tại tỉnh Sơn La

Ngày 31-8, Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương làm Trưởng đoàn đã thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo, gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2021” tại tỉnh Sơn La.

Tham gia có các đồng chí Đinh Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Trưởng Đoàn Giám sát; Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Tuyên Quang, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; cùng một số thành viên Hội đồng Dân tộc và đại diện các bộ: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an.

Đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Sơn La.

Tỉnh Sơn La có 12 huyện, thành phố với 204 xã phường, thị trấn; toàn tỉnh có khoảng 1,3 triệu người cùng 12 dân tộc cùng sinh sống. Tỉnh có 202 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 06 huyện biên giới, 17 xã biên giới, với khoảng 26.829 hộ/123.567 khẩu, khu vực biên giới có 08 thành phần dân tộc Thái, Mường, Mông, Kinh, Khơ Mú, Sinh Mun, Lào, Dao cùng sinh sống. Tỉnh có 274,065 Km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn và tỉnh Luông Pha Băng, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, 125 mốc giới, 11 cột dấu, 01 cửa khẩu Quốc tế (Lóng Sập, Mộc Châu), 01 cửa khẩu Quốc gia (Chiềng Khương, Sông Mã), 02 cửa khẩu phụ và 07 lối mở.

Đồng chí Ma Thị Thúy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh, Ủy viên Hội đồng dân tộc của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Sơn La.

Những năm qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, phát huy nguồn lực của địa phương cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, việc thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo bền vững đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, bước đầu đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 54/188 xã đạt chuẩn nông thôn mới (bằng 28,7%), 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; về cơ sở hạ tầng, toàn tỉnh có 199/204 xã, phường, thị trấn (chiếm tỷ lệ 97,5%) có đường ô tô đến trung tâm xã; về giáo dục, tại các xã trong vùng biên giới có 103 trường mầm non và 168 trường phổ thông; về y tế, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế là 92,21%; về văn hóa thông tin, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thông tin truyền thông vùng biên giới được quan tâm, phát triển, 17/17 xã biên giới đã có nhà văn hoá xã, có điểm bưu điện văn hoá, hoạt động thông tin liên lạc về cơ bản được thông suốt... Quan hệ dân tộc hai bên biên giới Việt Nam - Lào được duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị với 09 tỉnh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào mà tỉnh có quan hệ hợp tác. Tình hình an ninh trật tự khu vực biên giới Việt Nam - Lào ổn định, không xảy ra khủng bố, phá hoại, bạo loạn, phá rối an ninh, trật tự khu vực biên giới. Nhân dân các dân tộc hai bên biên giới có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp lâu đời, luôn đoàn kết, gắn bó và giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Đoàn giám sát tại Làng Thanh niên lập nghiệp, xã Púng Bánh, huyện Sốp Cộp.

Tuy nhiên, với đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới, diện tích tự nhiên rộng, mật độ dân số thưa. Có 202/204 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; thu nhập bình quân đầu người còn thấp (22 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo còn cao (cuối 2021 là 15,1% theo chuẩn nghèo đa chiều mới giai đoạn 2022 - 2025 là 21,6%); có 02 huyện nghèo (Thuận Châu và Sốp Cộp) với tỷ lệ hộ nghèo là 37,42%. Việc thực hiện các chính sách kinh tế-xã hội, giảm nghèo gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực hiện giới vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La  còn một số tổn tại, hạn chế như: kinh tế của 17 xã biên giới phát triển còn chậm, chưa bền vững, chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế của vùng, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, chất lượng giáo dục, chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân còn chưa cao; cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, đường giao thông nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định...

Các thành viên Đoàn giám sát chuyên đề của Hội đồng Dân tộc đánh giá cao sự nỗ lực của địa phương trong thực hiện đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội giảm nghèo gắn với đảm bảo quốc phòng-an ninh khu vực biên giới dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016- 2021; Đoàn giám sát đã có nhiều ý kiến đánh giá làm rõ về kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đoàn giám sát tại cửa khẩu Chiềng Khương, huyện Sông Mã.

Đồng chí Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy đề nghị UBND tỉnh Sơn La bổ sung, làm rõ một số nội dung như: làm rõ hơn về mục tiêu đến năm 2025 có bao nhiêu xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã đạt nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025; làm rõ việc bê tông hóa đường giao thông nông thôn tại các xã khu vực biên giới hiện nay đạt bao nhiêu % so với tổng nhu cầu cần thực hiện và kế hoạch giai đoạn tiếp theo; số hộ, thôn bản chưa được sử dụng điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất; bổ sung số liệu về hộ cận nghèo; tỷ lệ trường học đạt chuẩn ở các cấp học; số lượng giáo viên còn thiếu; giải pháp huy động học sinh trong độ tuổi đi học; bổ sung số liệu về lao động đi làm việc ở nước ngoài; giải pháp của tỉnh để khắc phục tình trạng khi Nhà nước không còn chính sách hỗ trợ Bảo hiểm y tế, người dân không mua bảo hiểm y tế nữa, dẫn đến tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế năm 2021 giảm so với các năm trước...

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương đề nghị làm rõ hiệu quả các chính sách kinh tế-xã hội, giảm nghèo gắn với đảm bảo quốc phòng-an ninh khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2021; đề nghị các cấp, các ngành và các địa phương tỉnh Sơn La tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chương trình, chính sách phát triển kinh tế- xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân trong tỉnh.

Trước khi làm việc với UBND tỉnh, Đoàn đã giám sát, làm việc, đi kiểm tra thực địa tại Làng Thanh niên lập nghiệp (xã Púng Bánh), Đoàn Kinh tế quốc phòng 326 (Huyện Sốp Cộp) và Cửa khẩu Chiềng Khương (huyện Sông Mã).

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục