Khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, Quốc hội Khóa XV

Sáng ngày 28/8/2023, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khóa XV để thảo luận, góp ý kiến về 8 dự án luật trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.


Các vị đại biểu tham dự Hội nghị.

Tham dự phiên khai mạc Hội nghị có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và các đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV.

Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 4 của nhiệm kỳ khóa XV sẽ xem xét cho ý kiến về 8 dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới gồm dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã tổ chức thành công 3 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách qua đó tiếp thu nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ của các đại biểu Quốc hội nhằm góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự án luật, nghị quyết từ đó Quốc hội thông qua với tỉ lệ đồng thuận cao.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về số lượng các dự án luật nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Các dự án luật này đều là những dự án luật rất quan trọng, nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và đại biểu Quốc hội, có nhiều quy định mới, đối tượng chịu ảnh hưởng rộng,  một số nội dung còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo nên cần tiếp tục được cân nhắc, thảo luận một cách kỹ lưỡng.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội chuyên trách và các đại biểu tham dự Hội nghị tham gia tập trung rà soát và cho ý kiến về việc các dự án luật này đã quán triệt thể chế hóa đầy đủ và đúng đắn các chủ trương của Đảng - cơ sở chính trị đối với từng lĩnh vực liên quan hay chưa? Xem xét việc thể hiện của các dự thảo Luật cho đến nay đã bám sát các nhóm chính sách lớn, các định hướng, nguyên tắc yêu cầu khi xây dựng các dự án luật chưa? Đối với những đề xuất mới đã có đánh giá tác động một cách đầy đủ chưa? Cho ý kiến về tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhất là các dự án luật mà có mối quan hệ chặt chẽ với nhau như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…; cho ý kiến đối với những vấn đề lớn và những vấn đề quan trọng đối với từng dự án luật về kỹ thuật lập pháp, nguyên tắc áp dụng pháp luật, điều khoản chuyển tiếp; cho ý kiến đối với các nội dung còn có ý kiến khác nhau để có nghiên cứu, phân tích, tính toán lựa chọn phương án tốt nhất. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp tục lắng nghe để có hoàn thiện, các cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan soạn thảo, cơ quan tổ chức hữu quan để tiếp tục trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với theo tinh thần làm triệt để, để cho không có một ý kiến nào của đại biểu Quốc hội mà không được nghiên cứu, tiếp thu và giải trình. 

Toàn cảnh Hội nghị.

Để bảo đảm hội nghị được tiến hành hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và đất nước, tham gia đầy đủ các phiên họp tranh thủ tối đa thời gian để nghiên cứu, trao đổi, tranh luận, phản biện với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc về các dự thảo.

Chủ tịch Quốc hội kỳ vọng với bề dày kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu, các chuyên gia, các đại biểu sẽ tham gia ý kiến sâu sắc, tâm huyết về các vấn đề của dự thảo luật cũng như những vấn đề thực tiễn đặt ra để tiếp tục hoàn thiện đảm bảo chất lượng cao nhất các dự án luật trình Quốc hội xem xét, quyết định./.

Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục