Đại biểu Ma Thị Thúy: Sửa đổi luật để phòng ngừa tiêu cực trong đấu giá tài sản

Trong khuôn khổ phiên họp thứ 25 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ngày 15/8/2023, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động chất vấn, phiên chất vấn được thực hiện bằng hình thức trực tiếp kết hợp truyền hình trực tuyến từ điểm cầu Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội tới điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội 62 tỉnh, thành phố. Đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên chất vấn.


Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu Tuyên Quang.

Chủ trì phiên chất vấn tại điểm cầu của tỉnh đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Ma Thị Thuý, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và một số cơ quan, đơn vị của tỉnh có liên quan đến nội dung chất vấn.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, căn cứ các quy định về tổ chức hoạt động giám sát của Quốc hội trên cơ sở tổng hợp đề xuất chất vấn của các Đoàn đại biểu Quốc hội, của đại biểu Quốc hội, ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn chất vấn hai nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, trong thời gian qua, công tác lập pháp, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn luật, nghị quyết của Quốc hội, thể chế hóa các chủ trương, quan điểm chính sách của đảng; lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế: Tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn luật, nghị quyết còn nhiều; văn bản chồng chéo; đấu giá tài sản còn nhiều bất cập…; phát triển sản xuất hàng hóa hướng đến xuất khẩu các sản phẩm nông sản còn nhiều khó khăn; việc phát triển sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường; quy mô sản xuất còn nhỏ hẹp, thiếu liên kết với doanh nghiệp…


Quang cảnh phiên họp chất vấn tại điểm cầu Nhà Quốc hội. Ảnh Báo ĐBND.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề và tranh luận thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính xây dựng, tập trung vào nhóm vấn đề: Đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp là thực hiện chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh; giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp. Đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản; hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản; chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.

Tham gia chất vấn có 107 đại biểu đăng ký chất vấn, trong đó có 28 đại biểu chất vấn, 5 đại biểu tranh luận đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp; 26 đại biểu chất vấn, 3 đại biểu tranh luận đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.


Đại biểu Ma Thị Thúy tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Chất vấn nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp, đồng chí Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh đề nghị làm rõ tình trạng vi phạm pháp luật, tiêu cực trong việc đấu giá tài sản, nguyên nhân và giải pháp khắc phục; nâng cao kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp đội ngũ đấu giá viên; định hướng, nội dung sửa đổi Luật Đấu giá tài sản nhằm phòng ngừa vi phạm và nâng cao hiệu quả đấu giá tài sản.


Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thà
nh Long trả lời chất vấn. Ảnh Báo ĐBND.

Trả lời chất vấn của đại biểu Ma Thị Thúy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết từ năm 2018 đến 2022, Bộ Tư pháp và các đơn vị đã thực hiện tổng số là 143 cuộc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đấu giá tài sản. Về pháp luật đấu giá, Bộ trưởng cho biết các quy định đã chặt chẽ hơn về quy trình, cách thức, quy chế để giảm bớt đi tình trạng thông đồng, dìm giá. Bộ Tư pháp cũng đã tăng cường các biện pháp để chuyên nghiệp hóa đấu giá viên đúng theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực và các văn bản của cấp có thẩm quyền. Về định hướng sửa Luật Đấu giá, Bộ trưởng cho biết cần siết chặt một số các quy định để giảm tình trạng thông đồng, dìm giá, trục lợi, đặc biệt là làm thất thoát ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp về tăng cường năng lực, chuyên nghiệp hóa đội ngũ đấu giá viên với tư cách là một nghề tư pháp đặc thù; đẩy mạnh phát triển đến đấu giá trực tuyến.

Tham gia trả lời chất vấn một số vấn đề có liên quan của Bộ Tư pháp, có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; liên quan đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có Bộ trưởng Bộ Công thương.

Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận các đại biểu Quốc hội từ kinh nghiệm hoạt động của mình đã chuẩn bị kỹ các câu hỏi có chất lượng, phản ánh sát thực tế và đời sống, nguyện vọng của cử tri; thực hiện đầy đủ các quy định về cách thức chất vấn, trao đổi, tranh luận, đảm bảo đúng thời gian quy định. Các Bộ trưởng và Trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn, với tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách đã giải trình làm rõ thực trạng và đề xuất được nhiều giải pháp đối với các vấn đề chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thời gian qua bên cạnh những kết quả đạt được, ngành tư pháp vẫn còn những hạn chế như việc bổ sung các dự án vào Chương trình xây dựng pháp luật không theo Chương trình tổng thể có chiều hướng tăng hoặc đề nghị sát thời điểm tổ chức kỳ họp của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một số dự án chưa được nghiên cứu kỹ về phạm vi điều chỉnh, tác động của chính sách. Chất lượng một số dự án luật chưa cao, còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo hoặc quy định không rõ ràng, khó tổ chức thi hành. Tuổi thọ của một số nghị định, thông tư rất ngắn…Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các Bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đề ra. Trong đó, về công tác lập và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận, ngành nông nghiệp có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhu cầu thị trường trong nước phục hồi chậm, thị trường nông sản xuất khẩu có nhiều biến động, số lượng đơn hàng giảm, giá vật tư nông nghiệp, phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng, kết nối, điều hòa cung – cầu còn bất cập; việc phát triển bền vững nông nghiệp nói chung, ngành thủy sản nói riêng còn nhiều thách thức…

Từ các vấn đề đặt ra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế./.

Đỗ Dũng
Ảnh: Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục