Tham dự Hội thảo tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang có các đồng chí: Ma Thị Thúy, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Thị Thanh Trà, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Hoàng Việt Phương, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Âu Thị Mai, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo một số cơ quan quản lý về lĩnh vực Văn hóa - Thể thao và Du lịch của tỉnh.
Các đại biểu dự hội thảo tại điểm cầu Tuyên Quang. Ảnh: Ngọc Hưng. |
Tại buổi Hội thảo, các vị đại biểu được nghe các báo cáo về Du lịch Việt Nam trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19 của đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Báo cáo về thực trạng và giải pháp phục hồi du lịch Việt Nam 2022-2023; Đề xuất giải pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cho khách du lịch trong bối cảnh bình thường mới; và bài phát biểu của ông Zurab Pololikashvili, Tổng Thư ký của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO). Tại Hội thảo có các tham luận của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Kiên Giang.
Các đại biểu tham luận tại hội thảo đều đánh giá Du lịch Việt Nam thời gian qua đã có bước chuyển mình và phát triển vượt bậc, đạt được nhiều kết quả ấn tượng, từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực trong thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát gây ra tác động hết sức tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong đó, một trong các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp, trước tiên và lớn nhất là ngành du lịch. Gần 2 năm qua, các chỉ số tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam đều sụt giảm nghiêm trọng; hoạt động du lịch gần như bị đóng băng. Hầu hết doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch phải đóng cửa tạm thời hoặc tạm dừng hoạt động; nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, địa điểm du lịch phải thu hẹp quy mô, giảm thiểu chi phí dẫn tới hàng triệu người trong ngành dịch vụ du lịch mất việc làm…
Để phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới, các đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhóm giải pháp cụ thể: Mở cửa hoạt động du lịch trở lại gắn với bảo đảm an toàn, đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine; đồng thời theo dõi, phân tích chính xác tình hình, diễn biến dịch bệnh, chủ động các kế hoạch, giải pháp để vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động ngành du lịch; đổi mới chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để tăng cường nguồn lực cho phát triển du lịch; phát triển hạ tầng du lịch, thu hút nguồn lực đầu tư, đổi mới sản phẩm, phát huy lợi thế về du lịch; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh... gắn với chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2026; thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023, trong đó coi du lịch là lĩnh vực trọng tâm ưu tiên với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng; nắm bắt tốt các cơ hội nhằm thực hiện hiệu quả 6 nhóm giải pháp nêu trên sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng cho ngành du lịch; tiếp tục thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong bối cảnh mới, thích ứng an toàn linh hoạt với dịch bệnh, trong đó tập trung đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách đảm bảo khuyến khích và tạo thuận lợi cho du lịch phát triển./.