Hội thảo khoa học: "Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ phận tham mưu, giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang"

Chiều ngày 21/12/2021,Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ phận tham mưu, giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang”.

Tham dự hội thảo có các đồng chí: Ma Thị Thúy, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng Bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, chủ nhiệm đề tài; Ngô Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thường trực HĐND, lãnh đạo Văn phòng Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân một số huyện, thành phố và thành viên của đề tài.


Đồng chí Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội thảo

Đề tài “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ phận tham mưu, giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang” do Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh chủ trì thực hiện theo Quyết định phê duyệt số 654/QĐ-UBND ngày 02/7/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang. Đề tài đã sưu tầm, hệ thống các cơ sở lý luận về bộ phận tham mưu, giúp việc đối với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; thực hiện 650 phiếu điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng hoạt động của bộ phận tham mưu, giúp việc đối với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giai đoạn 2011-2018; đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ phận tham mưu, giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trong thời gian tiếp theo.


Đồng chí Hà Quang Giai, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh phát biểu ý kiến.

Giai đoạn 2011-2018, bộ phận tham mưu, giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh (sau đây gọi là Văn phòng) đã tham mưu, phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động đảm bảo chất lượng, tiến độ và đạt được những kết quả cụ thể như: Tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý vào 65 dự thảo dự án Luật; tổng hợp, phân loại 196 ý kiến đóng góp gửi đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến góp ý đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý; tham mưu tổ chức được 29 cuộc giám sát, 02 cuộc khảo sát chuyên đề bao quát mọi vấn đề kinh tế xã hội, những vấn đề nóng, những vấn đề nổi cộm mà của tri quan tâm. Sau các cuộc giám sát có 189 ý kiến kiến nghị với các cơ quan hữu; tham mưu tổ chức tiếp xúc cử tri tại 227 điểm trên địa bàn 141 xã, phường, thị trấn một số các sở, ngành chuyên môn của tỉnh, với 43.827 lượt cử tri và 2.529 lượt ý kiến phát biểu. Qua phân loại, tổng hợp đã chuyển 2.843 ý kiến tới Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương và Uỷ ban nhân dân các cấp; Thực hiện Quy chế Phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện tiếp trên 1.235 lượt công dân, với 352 vụ việc được ghi nhận và chuyển tới cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết; tiếp nhận tổng số 1.057 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị với 436 vụ việc; đoàn đã có văn bản chuyển đến các cơ quan hữu quan giải quyết 280 vụ việc, lưu 295 vụ việc; tham mưu, tổng hợp các nội dung để các đại biểu có thêm thông tin khi tham gia thảo luận tại hội trường, tại tổ tại các kỳ họp Quốc hội... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của bộ phận tham mưu, giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục để nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu, giúp việc đối với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.


Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu ý kiến.

Phát biểu tham luận tại hội thảo, các đại biểu đã làm rõ hơn cơ sở lý luận về quá trình hình thành, phát triển; cơ cấu tố chức; chức năng nhiệm vụ và cơ chế phối hợp của bộ phận tham mưu, giúp việc đối với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đề xuất thêm các giải pháp nâng cao chất lượng tham mưu, giúp việc trong hoạt động xây dựng Luật, như phân công chuyên viên tham mưu công tác lấy ý kiến tham gia xây dựng luật ngay sau khi có Nghị quyết về Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của năm sau; xác định hình thức tổ chức lấy ý kiến xây dựng Luật hợp lý để tham mưu cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức thực hiện; tập trung nghiên cứu, đề xuất những nội dung còn nhiều ý kiến, phương án khác nhau để định hướng để đảm bảo ý kiến tham gia tập trung, nhất là đối với những dự án Luật có nhiều chương, điều, khoản; tham mưu cơ chế hợp đồng với chuyên gia, tổ chức có chuyên môn sâu tham gia nghiên cứu, đóng góp ý kiến; lựa chọn một số dự án luật có phạm vi, đối tượng điều chỉnh rộng tổ chức khảo sát thực tế…

Góp ý vào thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, đại biểu dự Hội nghị đề nghị: Cần chủ động tham mưu cho Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội thực hiện nghiêm quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội; trong tham mưu xác định rõ về chủ thể giám sát, nội dung giám sát; phương thức giám sát, hình thức tổ chức giám sát; công tác phối hợp giám sát; tiếp tục đổi mới, sáng tạo, giám sát đúng, trúng, đi sâu vấn đề, chỉ rõ địa điểm, quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước; thường xuyên đôn đốc việc thực hiện kết luận giám sát của các đối tượng chịu sự giám sát, cần thiết phải tổ chức tái giám sát và đề nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý đối với trường hợp không thực hiện nghiêm túc kết luận giám sát..


Đại biểu tham dự hội thảo phát biểu ý kiến.

Với những giải pháp về nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ hoạt động tiếp xúc cử tri; tiếp công dân; giải quyết đơn khiếu nại tố cáo, kiến nghị của công dân, các đại biểu đề nghị: Xây dựng và ban hành Quy định một số nguyên tắc xây dựng và thực hiện lịch TXCT của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội;việc tiếp nhận, xử lý, đôn đốc và giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri; thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan; trước hội nghị TXCT cần khảo khảo sát, nắm bắt thông tin tại địa điểm TXCT để chuẩn bị nội dung, tài liệu cần thiết và mời các ngành có liên quan đến các vấn đề cử tri quan tâm tham dự, trả lời ngay tại hội nghị TXCT; hoàn thiện hệ thống văn bản quy định về tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; Đôn đốc, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; tăng cường cơ sở, vật chất cho công tác tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.


Thường trực HĐND huyện Sơn Dương phát biểu ý kiến.

Các đại biểu tham gia Hội thảo cũng đề nghị cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực tham mưu của đội ngũ lãnh đạo, chuyên viên Văn phòng, là yếu tố cơ bản nâng cao chất lượng hoạt động của Văn phòng. Cần thường xuyên bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, kiến thức quản lý nhà nước, lý luận chính trị cho công chức; bố trí đúng người, đúng việc, phù hợp với khả năng đảm nhận công việc, bên cạnh đó mỗi công chức cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, nắm vững các quy định của luật, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công việc để tham mưu đúng, có chất lượng. Thường xuyên tự rèn luyện kỹ năng, nâng cao năng lực phân tích, tổng hợp, đánh giá; kỹ năng soạn thảo văn bản...

Với những ý kiến tham luận được báo cáo tại hội thảo, nhiều ý kiến có tính khoa học cao.Sự thành công của hội thảo khoa học về giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ phận tham mưu, giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, tạo động lực cho bộ phận tham mưu giúp việc của các văn phòng nói chung và Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp tục đổi mới, hoàn thiện để nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ngày càng mang tính chuyên nghiệp hơn./.

Phòng Công tác Quốc hội

Tin cùng chuyên mục