Hội đồng Dân tộc của Quốc hội giám sát về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016 - 2021

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 24.3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội dưới sự chủ trì của các đồng chí: Nguyễn Lâm Thành Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc tiếp tục làm việc với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016 - 2021. Đồng chí Ma Thị Thúy, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh, Ủy viên Hội đồng dân tộc của Quốc hội thành viên tham gia Đoàn giám sát.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường báo cáo tại phiên họp.

Làm việc với Bộ Nội vụ, Đoàn giám sát nhận thấy: Giai đoạn 2016 - 2021, Bộ Nội vụ đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc; chế độ tiền lương và phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức vùng dân tộc thiểu số và miền núi; về chính sách tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, công tác bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số. Các chính sách cho thanh niên là người dân tộc thiểu số; chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố là người dân tộc thiểu số ở địa bàn đặc biệt khó khăn; chính sách khen thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số; công tác tín ngưỡng, tôn giáo trong vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn... cũng được Bộ tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành, hoặc ban hành theo thẩm quyền. 

Đối với Bộ Tư pháp, việc ban hành văn bản hướng dẫn kịp thời và đầy đủ đã giúp cho diện người dân tộc thiểu số được mở rộng, có hướng dẫn cụ thể về giấy tờ chứng minh thuộc diện người dân tộc thiểu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tiếp cận, thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý kịp thời khi có nhu cầu. Đồng thời, việc ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo giai đoạn 2016 - 2020 từng bước được cải thiện và nâng cao hiểu biết, nhận thức về trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số.

Về phía Bộ Công an, báo cáo với Đoàn giám sát cho thấy, Bộ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác tổ chức cán bộ và tuyển sinh, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số trong Công an nhân dân. Theo đó tiêu chuẩn, điều kiện đối với các đối tượng tuyển sinh, tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân khi phân công công tác, ký hợp đồng lao động là người dân tộc thiểu số được ưu tiên, giảm tiêu chuẩn về học lực, sức khỏe so với các đối tượng còn lại. Việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức dân tộc, tiếng dân tộc cho cán bộ, chiến sỹ công an công tác tại địa bàn có đông người dân tộc thiểu số trở thành nhiệm vụ thường xuyên, bắt buộc.

Với Bộ Quốc phòng, Đoàn giám sát ghi nhận các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc do Bộ chủ trì xây dựng, ban hành đã kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các nghị quyết, nghị định của Chính phủ; tuân thủ các quy định của pháp luật, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, có tác động tích cực đến tình hình kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng đối với công tác quân sự, quốc phòng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.


Đại biểu Ma Thị Thuý Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đề nghị Bộ Nội vụ rà soát, đánh giá tác động của việc chậm ban hành các văn bản.

Tại buổi làm việc đồng chí Ma Thị Thuý, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Tuyên Quang cơ bản đồng tình với Báo cáo của các Bộ. đồng chí cho rằng các chính sách do Bộ Nội vụ ban hành đã đi vào thực tiễn cuộc sống đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhấn mạnh việc vẫn còn văn bản ban hành chậm đến 15 năm 4 tháng so với hiệu lực của Luật, do đó đại biểu Ma Thị Thuý đề nghị Bộ Nội vụ rà soát, đánh giá tác động của việc chậm ban hành các văn bản, đồng thời bám sát yêu cầu của Đoàn Giám sát để hoàn thiện báo cáo.

Đối với Bộ Tư pháp, đồng chí Ma Thị Thúy nêu rõ, Hiến pháp đã quy định Chính phủ khi ban hành chính sách dân tộc phải lấy ý kiến Hội đồng Dân tộc, tuy nhiên, thực tế, có Bộ, ngành khi xây dựng chính sách dân tộc không gửi văn bản xin ý kiến. Do vậy, Bộ Tư pháp cần có văn bản hướng dẫn về quy trình lấy ý kiến đối với chính sách dân tộc, trong đó cụ thể hóa vai trò thẩm tra của Hội đồng Dân tộc.

Đối với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, đồng chí Ma Thị Thúy lưu ý, những văn bản quy phạm pháp luật nào không liên quan trực tiếp đến công tác dân tộc thì không đưa vào báo cáo. Bên cạnh đó, 2 Bộ cần tiếp tục kiểm đếm, bổ sung trong báo cáo những nội dung của Luật Biên phòng, Luật Dân quân tự vệ, Luật Quốc phòng, Luật Công an nhân dân, Luật Đầu tư… có liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được ban hành văn bản hướng dẫn hay chưa?


Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành kết luận nội dung làm việc.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong việc tham mưu ban hành, tổ chức triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số và cụ thể hoá những nội dung quy định trong Luật, các Nghị quyết của Quốc hội để chính sách đi vào thực tiễn. Nhấn mạnh nguyên tắc của chính sách pháp luật bảo đảm người dân tộc thiểu số được hưởng các quyền bình đẳng như các dân tộc khác trên quy định của pháp luật, chính sách pháp luật phải tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được quyền tiếp cận và hưởng những quyền thực thi pháp luật đó, do đó Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị các Bộ tiếp tục đánh giá tính phù hợp, khả thi của các chính sách để góp phần đưa chính sách vào thực tiễn cuộc sống; Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tiếp tục rà soát, kiểm đếm, bổ sung trong báo cáo những nội dung của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Biên phòng, Luật Quốc phòng, Luật Công an nhân dân, Luật Đầu tư… có liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi. ./.

Phòng Công tác Quốc hội

Tin cùng chuyên mục