Tham gia thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh đồng tình cao với sự cần thiết phải đầu tư dự án theo Tờ Trình của Chính phủ. Đồng chí khẳng định, thực thi được dự án này là thực hiện niềm mong mỏi của nhân dân cả nước trong nhiều năm vừa qua để tạo điều kiện thông thoáng cho vận chuyển trong đi lại trên hành lang trục giao thông Bắc- Nam, tăng cường kết nối vùng miền, tạo động lực lan tỏa giúp cho việc chuyển dịch kinh tế, phân bổ dân cư và đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang trục Bắc Nam, tạo động lực cho phát triển công nghiệp đường sắt, phát triển phương thức vận tải bền vững và đảm bảo theo nhu cầu đi lại của người dân được thuận tiện hơn.
Đồng chí Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ma Thị Thuý phát biểu thảo luận.
Bên cạnh đó, Phó Trưởng đoàn Quốc hội tỉnh còn băn khoăn một số nội dung và đề nghị Chính phủ cần được nghiên cứu thấu đáo, cụ thể: Về việc bố trí di dời, tái định cư và đảm bảo sinh kế cho người dân: Theo báo cáo của Chính phủ dự án sẽ đi qua 20 tỉnh và diện tích đất triển khai dự án này hơn 10.827 héc ta và tác động đến cuộc sống của hơn 120.000 người dân. Như vậy, vấn đề đặt ra rất quan trọng là tính được phương án thu hồi đất, bồi thường tái định cư cho người dân một cách thỏa đáng, phù hợp, vì thời gian qua việc bồi thường hỗ trợ tái định cư gặp nhiều khó khăn, mặc dù đã cho phép tách dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án riêng nhưng trong quá trình triển khai dự án đều gặp vướng, đây cũng là một trong những nguyên nhân lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án; xây dựng phương án đảm bảo sinh kế của người dân, vấn đề việc làm của người dân trong quá trình thu hồi đất, quá trình triển khai dự án và sau dự án hoàn thành, tạo điều kiện giúp người dân có thu nhập ổn định và phát triển kinh tế xã hội, ổn định cuộc sống.
Liên quan tới nguồn vốn và thời gian thực hiện, đại biểu băn khoăn, Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 1.700.000 tỉ đồng và thời gian thực hiện dự án trong 10 năm, vậy có phát sinh không? Mức độ phát sinh như thế nào? Khả năng bố trí vốn như thế nào điều này chưa thấy thể hiện rõ tại Tờ trình của Chính phủ. Chưa kể là khả năng thời gian kéo dài dự án (như dự án đường sắt cao tốc Cát Linh Hà Đông, dự kiến thời gian chậm là 1 năm thôi nhưng mà thực tế là chậm 6 năm, chi phí gia tăng đội vốn đáng kể) đối với dự án này thì phương án dự phòng chậm như thế nào cũng cần phải làm rõ, lộ trình và phương án nguồn lực khả năng tăng thêm; đề nghị Chính phủ cần đánh giá đầy đủ hơn về khả năng vốn, bố trí vốn cho từng giai đoạn việc hấp thu nguồn vốn, cân đối nguồn vốn và đặc biệt là phải tính toán kỹ dự phòng các phương án về phân bổ vốn cũng như là đối với các địa phương có dự án đi qua thì việc bố trí vốn tương ứng để đảm bảo cho kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường.
Đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng dự án cũng còn nêu chung chung về các hình thức đầu tư, hiện Chính phủ đang dự kiến phân ra 03 loại: Đầu tư công áp dụng cho xây dựng hạ tầng 9 chiếm 60-70% vốn; vốn vay để đảm bảo phần phương tiện; xã hội hóa huy động tham gia của doanh nghiệp, nhà dầu tư trong khai thác các lợi thế từ các bến cảng, nhà ga, đề nghị Chính phủ xác định rõ hơn về hình thức đầu tư, phương án thanh toán nợ công, và các khoản vay để các đại biểu quốc hội rõ hơn và yên tâm ủng hộ chủ trương này. Ngoài ra, Tờ trình của Chính phủ đang đề xuất “thực hiện dự án từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2035”, như vậy là đã hoàn thành chưa hay là cơ bản hoàn thành, và cơ bản hoàn thành thì có vận hành, khai thác được chưa? Đề nghị Chính phủ cần làm rõ mốc thời gian để có cơ sở các đại biểu Quốc hội cho ý kiến và tham gia góp ý hoàn thiện Nghị quyết.
Về nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực: Đại biểu cho rằng chưa thấy tài liệu nào đề cập đến công nghệ dược chọn hay dự kiến khả năng được chọn, trong khi cần phải tính toán kỹ lưỡng việc lựa chọn công nghệ để đánh giá phù hợp. Do đó, đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu điều kiện thực tiễn của Việt nam mà xem xét lực chọn công nghệ phù hợp. Từ đó cần sớm có đề án hoặc kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực để tiếp cận công nghệ vận hành, sử dụng các thiết bị. Đây là bước quan trọng cần có sự chủ động và chuẩn bị kỹ càng, càng sớm càng tốt, tránh tình trạng phụ thuộc và lệ thuộc vào tất cả bên ngoài khi vận hành dự án. Mặc khác việc nghiên cứu ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuât linh kiện, máy móc đảm bảo trong quá trình vận hành cũng cần được đánh giá và nghiên cứu triển khai.
Khẳng định đây là dự án quan trọng cấp quốc gia được trình theo quy định của Luật đầu tư công, dự án có quy mô lớn, trải dài 03 miền Bắc Trung Nam và là niềm mong ước của người dân trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, do tính chất quan trọng và quy mô dự án lớn, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm công tác thông tin, tham vấn lấy ý kiến của người dân tạo sự đồng tình hưởng ứng của người dân trong tổ chức triển khai dự án này, để dự án được phát huy hiệu quả cao nhất đáp ứng với sự mong đợi của nhân dân cả nước…