Các vị đại biểu Quốc hội trong tổ thảo luận nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi 02 dự án Luật và góp ý vào một số nội dung cụ thể của các dự thảo Luật. Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị Chính phủ giải trình rõ việc tiếp thu hay không ý kiến của Đại biểu Quốc hội về áp dụng thuế 10% trong lĩnh vực báo chí.
Các vị đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận tổ.
Đại biểu Âu Thị Mai, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch góp ý vào dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) với 03 nội dung:
Về đối tượng chịu thuế: Điều 2 dự thảo Luật quy định bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào nhóm đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Về nội dung này, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đánh giá tác động kinh tế - xã hội kỹ lưỡng, khi bổ sung mặt hàng mới vào nhóm đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, bởi các lý do: Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), đồ uống có đường chỉ chiếm khoảng 30% lượng đường nạp vào cơ thể hằng ngày. Việc chỉ áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm nước giải khát có đường (một nhóm nhỏ trong đồ uống có đường), trong khi đó lại không có biện pháp hạn chế các nhóm sản phẩm chiếm tổng lượng đường tiêu thụ hàng ngày ở mức rất cao (trên 70%) thì có thể gây hiểu lầm từ phía người tiêu dùng rằng chỉ đường tự do từ nước giải khát mới gây ra bệnh thừa cân, béo phì, và không điều tiết tiêu thụ phần lớn các nguồn thực phẩm có đường khác, ví dụ như sữa, bánh kẹo, kem…; bên cạnh đó, hồ sơ dự án Luật chưa cung cấp các thông tin cho thấy nước giải khát có đường là nguyên nhân chính gây ra thừa cân, béo phì hay các bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam, trong khi có nhiều nguyên nhân gây thừa cân béo phì, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường (do thực đơn bữa ăn không lành mạnh hay lối sống lười vận động…); đồng thời việc mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tạo gánh nặng tuân thủ lên các doanh nghiệp sản xuất chính thống, trong khi vô hình chung lại tạo điều kiện để các hoạt động sản xuất phi chính thức; nhập lậu, làm giả, làm nhái; sản xuất sản phẩm kém chất lượng phát triển. Hơn nữa, trong thời gian qua, các doanh nghiệp nước ngoài đã tích cực đầu tư vào ngành đồ uống Việt Nam thông qua cả hình thức đầu tư trực tiếp và gián tiếp, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường có thể khiến các nhà đầu tư e ngại, giảm đầu tư vào ngành đồ uống và các ngành công nghiệp phụ trợ trong chuỗi cung ứng.
Đại biểu Âu Thị Mai phát biểu thảo luận.
Đối với mặt hàng rượu, bia: Điều 8 dự thảo Luật đưa ra hai phương án thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia, theo đó lộ trình tăng thuế 5%/năm từ năm 2026 đến năm 2030. Đại biểu Âu Thị Mai đề nghị lựa chọn Phương án 1 và lùi thời gian bắt đầu lộ trình tăng thuế là năm 2027 để phù hợp hơn trong tình hình hiện nay … Đại biểu cho rằng, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp rượu, bia trong và ngoài nước hiện đang khá khó khăn. Nhu cầu tiêu thụ cũng giảm mạnh do người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Áp lực về thuế, phí: thuế nhập khẩu, phí tái chế đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường, chi phí mua tem thuế… Áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt quá cao có thể dẫn đến thất thu ngân sách Nhà nước. Doanh thu sụt giảm khiến các doanh nghiệp rượu, bia cắt giảm kinh doanh, dừng hoạt động các nhà máy, giảm nguồn đóng góp vào ngân sách cho địa phương. Chưa kể việc tăng thuế suất quá cao sẽ khiến người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các sản phẩm rượu, bia trái phép, nằm ngoài sự quản lý của nhà nước, có giá rẻ hơn do không bị đánh thuế, dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước...
Đại biểu cũng đề nghị cần cân nhắc quy định này, vì sẽ ảnh hưởng tới đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Vì trong thời gian qua, các doanh nghiệp nước ngoài đã tích cực đầu tư vào ngành đồ uống Việt Nam thông qua cả hình thức đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Việc áp dụng thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường có thể khiến các nhà đầu tư e ngại, giảm đầu tư vào ngành đồ uống và các ngành công nghiệp phụ trợ trong chuỗi cung ứng; việc tăng thuế quá cao có thể dẫn đến tình trạng người tiêu dùng, đặc biệt là những người có thu nhập thấp chuyển sang sử dụng các sản phẩm giá rẻ, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm, đặc biệt đối với đồ uống có cồn.
Về phương pháp tính thuế, đại biểu Âu Thị Mai nhất trí với phương pháp tính thuế quy định của dự thảo Luật khi bổ sung phương pháp thuế tuyệt đối đối với thuốc lá. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét khả năng bổ sung mức thuế tuyệt đối đối với mặt hàng rượu, bia để phù hợp với Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, đồng thời cũng phù hợp với thông lệ quốc tế./.