Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại Tổ vào Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 23/11, Quốc hội thảo luận tại các Tổ đại biểu về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Luật Công nghiệp công nghệ số.

Thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội. Việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII; Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật số 69/2014/QH13; hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; tạo môi trường và hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đảm bảo tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp cùng việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý, đầu tư vốn tại doanh nghiệp; đảm bảo doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường trong các ngành, nghề kinh doanh theo yêu cầu của Nhà nước (chủ sở hữu)...


Đại biểu Ma Thị Thuý phát biểu thảo luận.

Góp ý vào các nội dung cụ thể tại dự thảo Luật, đối với quy định về hành vi bị cấm trong lĩnh vực quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Điều 6), đại biểu đề nghị bổ sung một số hành vi khác bị nghiêm cấm theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, đó là lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước để trục lợi đối với tố chức, cá nhân được giao nhiệm vụ làm đại diện chủ sở hữu vốn của nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; định giá thấp tài sản, vốn của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp không đúng quy định của pháp luật để trục lợi, gây thất thoát tài sản, vốn nhà nước; bổ sung cụm từ “đối tượng” sau cụm từ “phạm vi” vào khoản 1, bởi vì việc đầu tư vốn nhà nước không đúng đối tượng theo quy định tại Điều 2 cũng sẽ là hành vi vi phạm pháp luật và nghiêm cấm thực hiện hành vi trái pháp luật đó.

Về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của doanh nghiệp (Điều 12): Đại biểu đề nghị xem lại quy định “Doanh nghiệp có thể thuê thành viên hội đồng thành viên, thành viên hội đồng quản trị độc lập” để có sự phù hợp với pháp luật doanh nghiệp hiện hành. Theo quy định tại Điều 137 của Luật Doanh nghiệp 2020 thì thành viên hội đồng thành viên, thành viên hội đồng quản trị độc lập được hình thành bởi Đại hội cổ đông và Hội đồng quản trị và ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập. Như vậy tiêu chí thành viên hội đồng thành viên, thành viên hội đồng quản trị độc lập của doanh nghiệp theo dự thảo Luật này cũng cần phải thống nhất với Luật Doanh nghiệp 2020.


Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh tại phiên thảo luận tổ.

Đối với quy định tại Điểm a khoản 1“Trích không quá 50% vào Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp. Việc quản lý và sử dụng Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Chính phủ”. Đại biểu cho rằng, nếu trích không quá 50% vào Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp sẽ không đủ để doanh nghiệp trích các quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi cho người lao động, chia cổ tức cho cổ đông… Do đó, đề nghị điều chỉnh tỷ lệ trích Quỹ đầu tư phát triển theo hướng không quá 30%; số dư Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp khi doanh nghiệp không có nhu cầu, không có kế hoạch sử dụng thì được hoàn nhập lợi nhuận sau thuế và chia cổ tức cho các chủ sở hữu, phần cổ tức được chia bằng tiền tương ứng với phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước.

Về hình thức đầu tư vốn nhà nước, đề nghị bổ sung thêm 01 khoản vào dự thảo Luật quy định về Đầu tư vốn từ nguồn Quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp. Vì các hình thức đầu tư vốn của nhà nước tại Điều 21 đều sử dụng nguồn ngân sách nhà nước hoặc thực hiện chuyển quyền sở hữu tài sản (nếu có) mà không có nội dung về tăng vốn đầu tư nhà nước do sử dụng quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp. Cùng với đó, bổ sung thêm các nội dung, trình tự thực hiện trong các trường hợp tăng vốn nhà nước do sử dụng quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp.

Về các trường hợp doanh nghiệp không được đầu tư vốn, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị bổ sung thêm đối tượng là “cha dượng, mẹ kế”. Theo đại biểu, Luật Hôn nhân và Gia đình đã quy định dù là con riêng của vợ hoặc chồng nhưng bố dượng, mẹ kế vẫn có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ như người cha, người mẹ đối với con ruột của mình và ngược lại, và quan hệ giữa người con riêng với bố dượng, mẹ kế cũng là quan hệ cha, mẹ - con, đó chính là quan hệ gia đình... Tương tự, đề nghị bổ sung đối tượng cha dượng, mẹ kế vào khoản 5 Điều 43 quy định về Tiêu chuẩn người đại diện chủ sở hữu vốn.

Cùng góp ý về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh tỉnh Tuyên Quang thống nhất sự cần thiết ban hành Luật. Đại biểu khẳng định, dự thảo có những quy định để luật hoá chủ chương Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là về tăng cường phân cấp, phân quyền và tách bạch chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước với chức năng quản trị, điều hành kinh doanh của doanh nghiệp…


Đại biểu Nguyễn Việt Hà phát biểu thảo luận.

Về đối tượng điều chỉnh, so với Luật số 69/2014/QH13 đã bỏ đối tượng là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ dưới 50%. Theo khoản 4 Điều 3 Luật Đầu tư công và chương IV Luật Doanh nghiệp hiện hành thì đối tượng doanh nghiệp này không thuộc phạm vi áp dụng, trong khi đây là nhóm doanh nghiệp có vai trò quyết định, phủ quyết các nội dung quan trọng để nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua theo Điều 148 Luật doanh nghiệp 2020… Do vậy, đề nghị rà soát và báo cáo về nội dung này.

Theo đại biểu Nguyễn Việt Hà, dự thảo Luật hiện nay chưa có quy phạm để giải quyết khi xảy ra xung đột pháp luật giữa luật này với các luật liên quan, đề nghị rà soát lại và quy định nguyên tắc áp dụng quy định trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa luật này với các Luật liên quan.

Đối với các nội dung được phân cấp, phân quyền. Theo Đại biểu nên có quy định về hồ sơ, thủ tục cơ bản trình lên Quốc hội đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, hiện dự thảo đang thiếu những nội dung này. Ngược lại, dự thảo lại đang quy định chi tiết những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ và cơ quan đại diện chủ sở hữu, như trình tự, thủ tục phê duyệt chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh hàng năm trong khi theo dự thảo việc phê duyệt nội dung này thuộc thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu…những nội dung này nên quy định tại văn bản dưới luật.

Về thẩm quyền quyết định đầu tư vốn nhà nước theo các hình thức đầu tư: Điều 22 dự thảo giao quyền cho Chính phủ quyết định hoặc phân cấp quyết định chủ trương đầu tư vốn thành lập doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ, mà không giới hạn mức vốn đầu tư như hình thức Đầu tư bổ sung vốn (Điều 22) và hình thức đầu tư vốn, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (Điều 24), theo Điều 22 và 24 thì Quốc hội là cấp quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án có mức đầu tư tương đương dự án quan trọng quốc gia. Vậy khi nhà nước đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ mà đạt mức vốn là dự án quan trọng quốc gia lại không do Quốc hội quyết định, quy định như vậy chưa phù hợp và thống nhất với các hình thức đầu tư khác.

Thẩm quyền sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Theo quy định của dự thảo việc sắp xếp, cơ cấu lại vốn của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Cơ quan đại diện chủ sở hữu. Đại biểu đề nghị xem xét lại nội dung này, bởi dự thảo có phân quyền theo mức vốn đầu tư để xác định thẩm quyền của Quốc hội, Chính Phủ trong việc quyết định đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhưng khi sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước thì lại hoàn toàn giao thẩm quyền cho cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định, trong khi việc sắp xếp, cơ cấu lại vốn này có thể dẫn đến nhà nước mất quyền chi phối với doanh nghiệp (không đảm bảo mục tiêu ban đầu khi đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đó); thậm chí chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp nhà nước mà không thấy vai trò, trách nhiệm của cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư đối với doanh nghiệp đó.

Về Quyền quyết định chiến lược kinh doanh, đề nghị nên giao lại cho doanh nghiệp chủ động, vì đây là nội dung liên quan trực tiếp đến việc điều hành kinh doanh của doanh nghiệp, dự thảo nên quy định như các luật khác liên quan là phù hợp.

Về Thành lập bộ phận kiểm toán nội bộ: Đại biểu cho rằng quy định này hiện nay đang còn mâu thuẫn, theo dự thảo nội dung này thuộc quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn; còn theo quy định của luật Các Tổ chức tín dụng và Luật Doanh nghiệp thì nội dung này thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp… Đề nghị xem xét lại.

Về phân phối lợi nhuận và sử dụng Quỹ (Điều 15), đề nghị bổ sung thêm nội dung chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ cho doanh nghiệp.

Về thuê kiểm toán độc lập (Điều 41) nên giao thẩm quyền cho doanh nghiệp (giống Luật các Tổ chức tín dụng hiện hành). Đồng thời dự thảo nêu chưa rõ thế nào là “trường hợp cần thiết” gây rủi ro cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp khi triển khai./.

Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục