Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Hà.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội. Để góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo cho doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng, đồng thời theo quan điểm chỉ đạo về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật của đồng chí Tổng bí thư và Chủ tịch Quốc hội, đại biểu tham gia góp ý một số nội dung, cụ thể:
Đại biểu cho rằng, dự thảo luật còn quy định những nội dung mang tính trình tự, thủ tục, hồ sơ ngay cả đối với các nội dung không thuộc thẩm quyền của Quốc hội, như quy định cụ thể về nội dung cơ bản của chiến lược, kế hoạch kinh doanh; quy định về các nội dung chủ yếu lấy ý kiến do các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn thực hiện khi chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn; quy định về các nội dung của đề án, hồ sơ đề nghị, trình tự thủ tục hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp…Những nội dung trên thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhưng dự thảo lại quy định về hồ sơ, thủ tục, trình tự để phê duyệt là không cần thiết, không đảm bảo tính ngắn gọn, ổn định lâu dài của Luật. Do vậy, đề nghị giao cấp có thẩm quyền quyết định nội dung công việc là cấp ban hành yêu cầu về hồ sơ, thủ tục theo hướng cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính.
Về quy phạm giải quyết xung đột pháp luật: Dự thảo luật hiện còn thiếu quy phạm về giải quyết xung đột pháp luật giữa luật này và các luật liên quan. Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách thì có đến 33 Bộ luật, Luật liên quan đến quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đơn cử qua rà soát, đối chiếu với Luật Doanh nghiệp và Luật các Tổ chức tín dụng hiện hành thì có những nội dung còn trùng lặp, mâu thuẫn như quy định về thẩm quyền quyết định kế hoạch, chiến lược kinh doanh; việc đầu tư vốn, mua sắm tài sản, đầu tư góp vốn; việc góp vốn, mua, bán cổ phần, phần vốn góp, hay các trường hợp giải thể doanh nghiệp… việc thiếu nguyên tắc ưu tiên áp dụng pháp luật khi có xung đột sẽ dẫn đến doanh nghiệp đứng giữa ngã ba đường, và để tránh rủi ro pháp lý, doanh nghiệp sẽ lựa chọn quy phạm thu hẹp về quyền của doanh nghiệp hơn để áp dụng dẫn đến thiệt thòi, thiếu công bằng cho doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị đơn vị soạn thảo tiếp tục rà soát, đối chiếu với các luật liên quan để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, đồng thời bổ sung quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật khi có xung đột.
Quang cảnh phiên họp.
Theo đại biểu Nguyễn Việt Hà, dự thảo Luật còn những quy định chưa thực sự “cởi trói” cho Doanh nghiệp Nhà nước, còn hạn chế quyền tự chủ, cạnh tranh bình đẳng của Doanh nghiệp Nhà nước, cụ thể: Dự thảo đang giao cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn là cấp phê duyệt, việc này sẽ hạn chế quyền chủ động, sáng tạo trong định hướng và triển khai các giải pháp kinh doanh của doanh nghiệp, tạo thủ tục hành chính không cần thiết khiến doanh nghiệp có thể bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Hiện nay Luật doanh nghiệp, Luật các Tổ chức Tín dụng đang giao nội dung này cho doanh nghiệp quyết định. Do vậy, đề nghị chỉnh sửa lại nội dung này theo hướng giao quyền chủ động cho doanh nghiệp tự quyết định, tự chịu trách nhiệm, nhà nước thực hiện quyền quản lý đối với nội dung này thông qua việc giao các chỉ tiêu kinh doanh trọng yếu cho doanh nghiêp như tốc độ tăng trưởng, lợi nhuận, nghĩa vụ nộp ngân sách.
Về hạn chế trong hoạt động kinh doanh bất động sản: Dự thảo Luật quy định Doanh nghiệp Nhà nước chỉ được kinh doanh bất động sản đối với các trường hợp Doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh bất động sản; hoặc Cho thuê, khai thác văn phòng, trụ sở làm việc của doanh nghiệp khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Quy định này đang mâu thuẫn với luật các Tổ chức Tín dụng, theo luật các Tổ chức Tín dụng thì ngoài việc cho thuê văn phòng, trụ sở thì Tổ chức Tín dụng còn được mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để làm cơ sở kho tàng phục vụ kinh doanh và được nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ và không cần chủ sở hữu vốn chấp thuận nếu mức vốn đầu tư dự án thuộc thẩm quyền. Do vậy quy định như trên sẽ gây vướng mắc và hạn chế quyền đối với các Tổ chức Tín dụng là ngân hàng thương mại nhà nước như Agribank và 1 số Tổ chức Tín dụng khác.
Về quy định các trường hợp doanh nghiệp không được đầu tư vốn: Khoản 2 Điều 27 dự thảo Luật quy định: “không được đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng”. Luật Doanh nghiệp hiện hành không có quy định cấm nội dung này. Mặt khác, tại Điều 74 Luật Các Tổ chức tín dụng quy định quyền của Hội đồng thành viên: “Thông qua phương án góp vốn, mua, bán cổ phần, phần vốn góp của tổ chức tín dụng tại doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác”; Khoản 8 Điều 111 luật các Các Tổ chức tín dụng cũng nêu “ Ngân hàng thương mại, công ty con của ngân hàng thương mại được mua, nắm giữ cổ phần của tổ chức tín dụng khác. Do vậy, đại biểu đề nghị đơn vị soạn thảo rà soát và chỉnh sửa nội dung này.
Về quyền, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong đầu tư và quản lý vốn tại doanh nghiệp: Theo đại biểu, dự thảo thiếu và quy định một số nội dung chưa phù hợp về quyền, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong đầu tư và quản lý vốn tại doanh nghiệp. Người đại diện chủ sở hữu vốn đóng vài trò quan trọng, là cầu nối giữa chủ sở hữu vốn và doanh nghiệp trong quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đồng thời đây cũng là chủ thể trực tiếp thực hiện hoạt động kinh doanh với vai trò là người quản lý doanh nghiệp, tuy nhiên dự thảo lại chưa tập trung quy định quyền và trách nhiệm đối với chủ thể này. Hiện dự thảo chỉ có quy định về quyền và nghĩa vụ của người đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ. Vướng mắc trên khiến yêu cầu về tách bạch quyền, trách nhiệm quản lý Nhà nước với quyền, trách nhiệm quản trị điều hành doanh nghiệp chưa được thể hiện rõ nét trong dự thảo, do vậy đề nghị Ban soạn thảo xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.