Đồng chí Ma Thị Thúy, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ bảy, sáng ngày 04-6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước


Đại biểu Ma Thị Thúy nêu câu hỏi chất vấn.

Đại biểu Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh nêu câu hỏi chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước: Theo báo cáo số 599/KTNN-TH  ngày 29 tháng 5 năm 2024 của Tổng Kiểm toán nhà nước về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn mà cử tri quan tâm cho thấy số tiền kiến nghị chưa thu được, nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán chiếm tỷ lệ còn cao 59%, kết quả này cho thấy việc chưa thực hiện nghiêm túc kết luận của đơn vị được kiểm toán. Đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết lý do vì sao: Do không có điều kiện khắc phục, do chây ỳ hay do cơ chế chính sách. Trách nhiệm và giải pháp khắc phục của ngành và Tổng Kiểm toán có kiến nghị gì để nâng cao hiệu quả thực hiện kết luận của Kiểm toán trong thời gian tới?.


Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho rằng: Liên quan đến việc thực hiện kết luận kiến nghị của kiểm toán về nhóm chậm thực hiện, vấn đề này được các cơ quan chức năng quan tâm, đặc biệt sau khi Quốc hội thực hiện giám sát tối cao đối với thực hiện các pháp luật thực hiện thí điểm chống lãng phí. Tiến độ và ý thức chấp hành trong thực hiện kết luận kiểm toán đã cao hơn. Tuy nhiên, theo thống kê vẫn còn 67.000 tỷ đồng liên quan đến kết luận kiến nghị kiểm toán, chậm được triển khai thực hiện và chia thành 4 nhóm nguyên nhân.


Quang cảnh phiên họp.

Nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán, chiếm 59,46%; nguyên nhân thuộc bên thứ 3 là 24%; nhóm nguyên nhân khác chiếm 16% và nhóm nguyên nhân của Kiểm toán Nhà nước chiếm 0,4%. Đối với đơn vị được kiểm toán chiếm tỷ lệ cao là do ý thức trách nhiệm, các đơn vị chưa nghiêm túc triển khai thực hiện. Ngoài ra cũng có nguyên nhân khách quan do đơn vị khó khăn về tài chính, phụ thuộc vào hướng dẫn của cấp trên. Thậm chí, có đơn vị được kiến nghị đã giải thể, phá sản nhưng vẫn phải theo dõi.

Các giải pháp đẩy mạnh kiến nghị của kiểm toán trong Nghị quyết số 74/2002/QH15 ngày 15 tháng 11 năm 2002 của Quốc hội đã nêu rõ do nhóm nguyên nhân bao gồm, ý thức trách nhiệm, trình độ năng lực, đùn đẩy trách nhiệm, vai trò người đứng đầu, và công tác phối hợp. Vai trò của kiểm toán, Tổng Kiểm toán sẽ tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đôn đốc để kết luận kiến nghị kiểm toán nhanh hơn, tốt hơn./.

Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục