Đoàn ĐBQH tỉnh tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Tại phiên họp, Đại biểu Quốc hội Lò Thị Việt Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn: đề nghị Bộ trưởng cho biết thời gian vừa qua đã thực hiện việc dự trữ khoáng sản như thế nào? Đồng thời cho biết giải pháp trong thời gian tới?
Đại biểu Lò Thị Việt Hà chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn.
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định: Việc dự trữ khoáng sản quan trọng, thiết yếu chính là đảm bảo an ninh quốc gia. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 645 về phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia gồm 48 khu vực với 10 loại khoáng sản quan trọng cần dự trữ cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Nghị định 51 về quản lý khoáng sản và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, ngoài quy định đầu tư thực hiện diện tích khu vực dự trữ khoáng sản, còn quy định tiêu chí để khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; với các khoáng sản, chúng ta không thể khai thác hết cùng lúc, mà có những khu vực khoanh vùng để dự trữ, đảm bảo cho sự phát triển dự trữ quốc gia, đảm bảo yêu cầu và việc sử dụng khoáng sản. Đồng thời nhấn mạnh việc cân đối giữa dự trữ khoáng sản quốc gia đối với các khoáng sản chiến lược quan trọng là mục tiêu của chiến lược và đã được Chính phủ ban hành. Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thực hiện vấn đề này, khoanh vùng các khu vực dự trữ khoáng sản theo quy định. Bộ trưởng nêu rõ “Muốn có dự trữ khoáng sản, chúng ta phải điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản thiết yếu, quan trọng, tuy nhiên nguồn lực cho vấn đề này còn thiếu. Thủ tướng sẽ quyết định phân kì theo lộ trình, khai thác và chế biến như thế nào, khu vực nào được dự trữ” . Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh mong muốn có thêm nguồn lực cho vấn đề này. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ ngành địa phương, căn cứ vào định hướng chiến lược các ngành, căn cứ vào nhu cầu, báo cáo Thủ tướng để khoanh vùng khoáng sản trong thời gian tới.
Đại biểu Ma Thị Thúy chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường: Vấn đề đấu giá khai thác khoáng sản là nguyên tắc cơ bản trong cấp phép thăm dò khai thác khoáng sản, đề nghị Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới, vấn đề này được thực hiện như thế nào? Đồng thời cho biết trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ định hướng hoàn thiện chế định đấu giá quyền khai thác khoáng sản như thế nào?
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết về đấu giá khai thác khoáng sản, thực hiện luật vừa qua đã thực hiện đấu giá khai thác khoáng sản đối với 837 khu vực khoáng sản ở các mỏ. Vì khoáng sản là tài sản công chúng ta phải tăng cường việc đấu giá khoáng sản để đảm bảo góp phần vào ngân sách nhà nước cũng như là hiệu quả sử dụng của khoáng sản. Theo Điều 22 Nghị định 158 để đảm bảo được an ninh quốc gia, an ninh năng lượng cũng đã ghi rất rõ trong nghị định là các mỏ khoáng sản để đảm bảo an ninh năng lượng như than, uranium, thorium, các mỏ đá vôi, đá sét đã là nguyên liệu xi măng được quy hoạch là nguồn nguyên liệu cho các dự án sản xuất xi măng, các mỏ nước khoáng được quy hoạch cho các dự án nghỉ dưỡng, du lịch để đảm bảo an ninh nguyên liệu cho các dự án chế biến sâu, các khu vực khoáng sản, vành đai biên giới, khu vực chiến lược về quốc phòng, an ninh để đảm bảo an ninh, quốc phòng, các mỏ khoáng sản đã được cấp phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khoáng sản. Những loại hình như thế này chúng ta không đấu giá. Theo Nghị định 108 và vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường căn cứ vào tình hình thực tế, thực hiện Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị và đã tham mưu luật về địa chất và khoáng sản, cố gắng quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí trong luật và về thực hiện với quan điểm tăng cường đấu giá. Tuy nhiên, muốn đấu giá được, nhất là những khoáng loại 1 thì trong dự thảo có quy định cố gắng ưu tiên nguồn lực để điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản. điều tra cơ bản được khoáng sản, mới thấy được cơ bản chính xác được trữ lượng và ngân sách nhà nước bỏ tiền ra thì chúng ta tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Nhà nước đứng vai trò, còn các cấp địa phương được phân cấp vật liệu xây dựng. Cho nên, việc đấu giá tài sản gắn vào điều tra cơ bản địa chất và nguồn lực trong Luật Địa chất và khoáng sản cũng đã có dự thảo.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà, nêu câu hỏi chất vấn: Đề nghị Bộ trưởng cho biết vấn đề phân công, phân cấp và đề cao vai trò trách nhiệm của địa phương trong công tác quản lý tài nguyên nước hiện nay như thế nào? Vì đây là vấn đề cốt lõi để đảm bảo những chính sách về an ninh nguồn nước trong Luật Tài nguyên nước năm 2023 được triển khai đồng bộ và hiệu quả.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng cho rằng Luật Tài nguyên nước đã giao cho địa phương thực thi 28 nội dung để tổ chức thi hành Luật (điều tra cơ bản, phương án khai thác trong quy hoạch tỉnh, lập, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng bảo hộ vệ sinh công trình lấy nước sinh hoạt, lập và ban hành danh mục hồ ao không được san lấp, dòng chảy tối thiểu trên sông, suối nội tỉnh...). Việc phân cấp, phân quyền, chú trọng đề cao vai trò, trách nhiệm các bên liên quan đã được cụ thể hóa trong 02 Nghị định, 03 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước (đều có hiệu lực thi hành cùng với Luật Tài nguyên nước ngày 01/7/2024). Nghị định đã được phân cấp tối đa, trong đó quy định thẩm quyền của Bộ Tài nguyen và Môi trường chỉ thực hiện đối với các trường hợp công trình có quy mô khai thác nước có tác động ảnh hưởng liên vùng, liên tỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 53 Luật Tài nguyên nước (đặc biệt là các công trình hồ chứa nước lớn có ảnh hưởng liên vùng, liên tỉnh, vận hành liên hồ chứa thực hiện nhiệm vụ cắt giảm lũ, cấp nước hạ du và đảm bảo an ninh năng lượng). Các trường hợp công trình khai thác, sử dụng nước còn lại sẽ do Ủy ban nhan dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện.