Toàn cảnh phiên họp.
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra Ủy ban Quốc phòng An ninh về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Việt Hà Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang đề nghị cần bổ sung dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ. Vì qua báo cáo tổng kết 05 năm thi hành Luật của Bộ Công an cho thấy, trong tổng số 28.715 vụ sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng… thì có đến 25.378 vụ (chiếm 88,4%) đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Việt Hà phát biểu.
Riêng đối tượng sử dụng các loại dao gây án là 16.841/25.378 vụ (chiếm 66,4%), nhiều vụ đối tượng sử dụng dao nhọn, sắc có tính sát thương rất cao (dao bầu, dao phay, dao quắm…) giết người với tình tiết rất manh động gây bức xúc, hoang mang trong dư luận xã hội. Trước đây: Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 02/2003 ngày 17/4/2003, đưa một số loại phương tiện, dụng cụ thuộc hung khí nguy hiểm, trong đó có dao phay, các loại dao sắc, nhọn để làm tình tiết định tội hoặc tình tiết định khung hình phạt. Thực tế hiện nay hiện tượng thanh thiếu niên tự hoán cải/tự chế thêm vào các loại dao này để sử dụng làm công cụ phạm tội, tuy nhiên, không xử lý được đối tượng phạm tội về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong Luật hiện hành không quy định dao là vũ khí. Do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung vào dự thảo Luật việc dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ, đồng thời để tránh vướng mắc trong thực tế khi loại dao này được sử dụng với mục đích sinh hoạt nên quy định không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật là phù hợp./.