Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy thảo luận tại Hội trường về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 30-5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025; dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cơ bản nhất trí với các báo cáo của Tổng thư ký Quốc hội và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã đánh giá chi tiết, đầy đủ. Thời gian qua, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tích cực, chủ động, có nhiều đổi mới trong công tác lập pháp, bên cạnh 02 kỳ họp thường lệ, Quốc hội đã tổ chức thêm một số kỳ họp bất thường để kịp thời xem xét, thông qua các luật, nghị quyết và tổ chức thêm các phiên họp chuyên đề pháp luật, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, phiên họp giữa hai đợt của kỳ họp Quốc hội để thảo luận, cho ý kiến kỹ lưỡng đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.


Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy thảo luận về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao việc thực hiện các nhiệm vụ lập pháp, đã tổ chức nhiều phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật kịp thời ban hành văn bản quan trọng góp phần tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.  

Tham gia thảo luận đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV tỉnh cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lập pháp và thực hiện Chương trình vẫn còn một số hạn chế, bất cập tồn tại qua nhiều năm chưa được khắc phục triệt để, được nêu trong tờ trình số 824 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: Hồ sơ một số dự án, chưa bảo đảm thời gian theo quy định, đã bị động đến công tác nghiên cứu, thẩm tra, cho ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, các dự án luật gửi đến đoàn đại biểu Quốc hội chậm, do vậy Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh không kịp thời gian để tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia và cơ quan chuyên môn ở tỉnh, điều đó cũng ảnh hưởng đến chất lượng trong việc tham gia ý kiến vào các dự án luật.

Về Điều 2 dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự thủ tục rút gọn đối với  Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở:

Đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực của Luât Đất đai (sửa đổi) và các luật có liên quan là rất cần thiết và phù hợp với tính cấp thiết hiện nay, bởi vì đây là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đại biểu đánh giá cao trách nhiệm của Ban soạn thảo mặc dù thời gian rất ngắn nhưng cũng đã nỗ lực chuẩn bị  nhiều văn bản trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

Bên cạnh đó đại biểu vẫn còn băn khoăn: Theo tờ trình số 247 ngày 18/5/2024 có nêu, hiện nay ngoài 1 nghị định đã được chính phủ ban hành, còn 15 văn bản (trong đó 9 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 6 thông tư) quy định chi tiết luật đất đai, đây mới dự kiến được ban hành trong tháng 6 năm 2024. Theo quy định tại Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2020, thì các văn bản quy định chi tiết của các luật cũng phải có hiệu lực đồng thời. Tuy nhiên hầu như các luật đều mới triển khai bước đầu trong quá trình xây dựng văn bản dưới luật. Mặt khác đối chiếu với hồ sơ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (quy định tại Điều 146) cho thấy chưa có báo cáo rõ ràng, cụ thể về căn cứ áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đáp ứng điều kiện của luật, cũng như chưa nêu rõ vấn đề phát sinh trong thực tiễn và hậu quả có thể xảy ra nếu không kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết vấn đề đó.

Hơn nữa văn bản chưa có đánh giá hạn chế, bất cập trong trường hợp việc quy định Luật Đất đai năm 2024 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực sớm nhưng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành không được ban hành kịp thời để có hiệu lực đồng bộ với hiệu lực của luật; chưa đánh giá được đầy đủ tác động tiêu cực của việc không kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành trong khi luật mới đã có hiệu lực, luật cũ và các văn bản quy định chi tiết luật cũ hết hiệu lực; chưa đánh giá tác động của luật mới tới người dân và doanh nghiệp không đủ thời gian để chuẩn bị các điều kiện đáp ứng yêu cầu theo luật mới.


Quang cảnh phiên họp.

Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy đề nghị cần tiếp tục làm rõ tính cấp thiết, cấp bách, tính khả thi của việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai năm 2024 và Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở; Chính phủ báo cáo, làm rõ đầy đủ các vấn đề có liên quan và bảo đảm, chịu trách nhiệm toàn diện về điều kiện để các luật có thể triển khai thực hiện, không để xảy ra vướng mắc, chậm trễ do thiếu các văn bản hướng dẫn, quy định chuyển tiếp, các bộ, ngành, địa phương chưa có sự chuẩn bị đầy đủ để triển khai các luật, không gây ra các tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp và người dân;

Ngoài ra đại biểu cũng đề nghị bổ sung vào các luật liên quan một số quy định về trách nhiệm xây dựng cơ sở giáo dục, y tế công lập tại khu đô thị mới và khu công nghiệp tại điểm a, khoản 2, Điều 26 Luật Xây dựng hiện hành mới quy định đồ án quy hoạch chung xây dựng khu chức năng đặc thù phải bao gồm “ định hướng phát triển không gian các khu chức năng, trung tâm hành chính, dịch vụ, thương mại, văn hóa, giáo dục, đào tạo, y tế,…”.

Tại Điều 97 Luật giáo dục cũng mới dừng lại ở quy định: “ Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm đưa việc xây dựng trường học, công trình thể dục, thể thao, văn hóa nghệ thuật phục vụ giáo dục vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương; ưu tiên đầu tư tài chính và vật chất cho việc xây dựng trường học, ký túc xá cho học sinh, sinh viên trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội”.

Cả 2 Luật trên đều chưa quy định tổ chức cá nhân nào có trách nhiệm xây dựng trường học, bệnh viện ở khu vực đô thị mới và khu công nghiệp đặc biệt là chưa quy định trách nhiệm xây dựng cơ sở giáo dục, y tế công lập.

Điều này dẫn đến thực trạng nhiều khu đô thị mới và khu công nghiệp không có trường học, bệnh viện hoặc không có trường học, bệnh viện công lập, khiến nhiều gia đình phải đưa con đi học trái tuyến ở xa nhà, gặp rất nhiều khó khăn hoặc đi cấp cứu không kịp thời khi có bệnh, rất dễ gặp rủi ro.

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm quan tâm bổ sung, sửa đổi các quy định về vấn đề này; đồng thời cần tăng cường, kiểm tra, giám sát và đưa ra giải pháp khắc phục kịp thời thiếu trường, lớp, bệnh viện như đã nêu trên./.

Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục