Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy: Lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về thời điểm thông qua dự Luật BHXH

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 27-5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về việc Dự án Luật Bảo hiểm xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đã góp ý vào những vấn đề còn nhiều ý kiến chưa thống nhất hoặc đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm hoạt động an toàn của quỹ bảo hiểm xã hội, về phương án quy định về rút bảo hiểm xã hội một lần; giải quyết chủ hộ kinh doanh đã tham gia BHXH bắt buộc đến nay chưa được hưởng các chế độ BHXH; bổ sung thêm các biện pháp xử lý hành vi vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp, về thời điểm có hiệu lực của Luật BHXH…

Phát biểu thảo luận, đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đồng tình nhất trí với nhiều nội dung đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu, giải trình và cho rằng Dự thảo Luật BHXH là một đạo luật có ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng triệu lao động đã và đang làm việc, kể cả những người đã mất và gia đình họ. Do đó, việc nghiên cứu, xem xét các quy định của dự án Luật là đặc biệt quan trọng đối với Quốc hội, được cử tri cả nước quan tâm.


Đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận.

Về mức lương hưu thấp nhất, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng: Luật BHXH năm 2006 và Luật BHXH năm 2014 đều có quy định mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia BHXH bắt buộc bằng mức lương cơ sở hoặc bằng mức lương tối thiểu chung. Quy định này, đã giúp cho nhiều nhóm lao động khi nghỉ hưu được hưởng chính sách an sinh xã hội tốt hơn vì nếu thấp hơn sẽ được Quỹ BHXH hoặc Ngân sách Nhà nước điều chỉnh tăng thêm, bảo đảm ít nhất bằng mức lương cơ sở. Năm 2024, mức lương cơ sở đang là 1,8 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, mức lương cơ sở sẽ bị bãi bỏ từ ngày 01/7/2024. Nếu coi mức lương hưu thấp nhất là tầng thấp nhất hưu trí xã hội với dự kiến 500 nghìn đồng/người/tháng như vậy là kéo lùi tiến bộ an sinh xã hội,

Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu bổ sung thêm quy định về mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức tham chiếu (thay cho mức lương cơ sở đã bị bãi bỏ). Mức tham chiếu cụ thể tại thời điểm cải cách tiền lương phải bằng hoặc cao hơn 1,8 triệu đồng/tháng khoảng từ 8-15% tùy theo tốc độ tăng tỷ lệ lương mới sau cải cách tiền lương vào ngày 1/7/2024 thì mới đảm bảo hài hòa giữa thu nhập người đang làm việc với người hưởng lương hưu. Khoảng cách quá xa thì sẽ tạo sự bất bình đẳng trong xã hội, không bảo vệ được nhóm lao động yếu thế. Do đó, nếu giữ được mức sàn tối thiểu ít nhất bằng hoặc cao hơn mức 1,8 triệu vào năm 2024 thì rất nhiều lao động yếu thế sẽ được hưởng cuộc sống an sinh ấm đo, đủ sống hơn mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn. Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì tiếp thu, giải trình cụ thể các ý kiến đại biểu góp ý.

Về thời điểm thông qua Luật BHXH, đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc lùi thời điểm xem xét, thông qua luật BHXH sang Kỳ họp 8 để đảm bảo thận trọng, đánh giá đầy đủ tác động chính sách tiền lương mới đối với các quy định luật BHXH và lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động là đông đảo người lao động. đại biểu Ma Thị Thúy nhấn mạnh Dự án luật BHXH liên quan mật thiết đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động, đại biểu cho rằng không thể quyết định chính sách liên quan đến quyền lợi của người lao động dựa trên tiền của người lao động và người sử dụng lao động đóng góp trực tiếp mà bản thân họ lại không được tham gia ý kiến. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo Chính phủ thực hiện đầy đủ việc lấy ý kiến người lao động để bảo đảm chính sách ban hành được khả thi, hiệu quả với nhiều chính sách tốt hơn, tiến bộ hơn so với Luật BHXH năm 2014./.

Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục