Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục thảo luận tại Tổ về Điều chỉnh cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển dân tộc, miền núi

Chiều ngày 25-5, đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV tỉnh Tuyên Quang đã chủ trì thảo luận tại Tổ về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -2030 và chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Giơn Thành (Bình Phước). Tham dự thảo luận tại Tổ có các vị đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố: Tây Ninh, Đà Nẵng, Sơn La và Tuyên Quang.


Các đại biểu tại phiên thảo luận.

Thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Giơn Thành (Bình Phước), các đại biểu trong tổ thảo luận thống nhất chủ trương và sự cần thiết đầu tư, xây dựng đường cao tốc, nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, phù hợp với các quy hoạch khác; giải quyết được những điểm nghẽn về hạ tầng giao thông khu vực phía Nam; tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh khu vực Tây nguyên và Đông Nam bộ… đại biểu trong tổ thảo luận cũng đề nghị Chính phủ cần có đánh giá cụ thể, khắc phục những hạn chế trong xây dựng đường cao tốc như: làn dừng khẩn cấp trên cao tốc, có phương thức quản lý tốt, chặt chẽ về tốc độ trên cao tốc, quy hoạch trạm dừng nghỉ…; có quy chuẩn kỹ thuật với từng loại cao tốc; đề nghị Quốc hội nên cho phép Chính phủ và các địa phương áp dụng những quy định có lợi để thực hiện giải phóng mặt bằng, đảm bảo yêu cầu của người dân và đảm bảo tiến độ của dự án.

Các đại biểu trong tổ thảo luận cũng nhất trí cao việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -2030. Các đại biểu khẳng định chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước; sau hơn 3 năm thực hiện đã góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; cải thiện đời sống của nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số... đồng thời, có ý kiến đề nghị có Nghị quyết riêng để điều chỉnh nội dung này, giúp cho việc theo dõi, tổ chức thực hiện được thuận lợi; đề nghị Quốc hội xác định và yêu cầu Chính phủ xác định rõ những nội dung thuộc thẩm quyền để sửa đổi cho phù hợp, hiện nay vướng nhiều về trình tự, thủ tục nên khó khăn trong quá trình thực hiện…

Đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đồng tình cao với các chủ trương đầu tư. Đồng tình với quan điểm điều chỉnh điều chỉnh làm rõ hơn đối tượng cụ thể thuộc diện đầu tư của Chương trình có trụ sở không nằm trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo danh sách được cấp có thẩm quyền phê duyệt gồm một số đơn vị sự nghiệp công lập là trường dự bị Đại học, Đại học, trường chuyên biệt; các trường phổ thông dân tộc nội trú; các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; một số Trung tâm y tế huyện, bệnh viện của huyện có xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đại biểu khẳng định, theo Tờ trình của Chính phủ, có 3 trạm y tế, 10 Trường Đại học thuộc đối tượng điều chỉnh của Chương trình, trong đó tại tỉnh Tuyên Quang có Trường Đại học Tân Trào, đây là trường Đại học thực hiện đào tạo cho sinh viên tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh lân cận, trong đó có 70% sinh viên là người dân tộc thiểu số. Tỉnh cũng có 02 Trường Nội trú nằm ngoài địa bàn dân tộc thiểu số, gồm Trường Dân tộc nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang và Trường THCS dân tộc nội trú Yên Sơn. Đây là 02 Trường đào tạo cho học sinh dân tộc thiểu số cấp THPT và cấp THCS của các xã, huyện trên địa bàn tỉnh, trong đó có cả học sinh thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, nhưng trụ sở của trường lại không nằm trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số... nếu không được điều chỉnh kịp thời sẽ rất khó khăn trong quá trình thực hiện. Do đó, việc điều chỉnh, bổ sung các nhóm đối tượng trên là rất cần thiết và hoàn toàn phù hợp.

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đề nghị Chính phủ cần có phương án cụ thể, rõ ràng cho các hộ di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng; quan tâm, đẩy mạnh tháo gỡ những vướng mắc hiện nay liên quan đến các dự án liên quan đến đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/1/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; sửa đổi quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, để các địa phương giải ngân các nguồn vốn này./.

Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục