Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại phiên họp tổ.
Phát biểu thảo luận về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, giai đoạn 2025-2035, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đồng tình quan điểm của Chính phủ, vì Văn hóa là một vấn đề lớn, toàn diện; hệ thống giải pháp khi nhóm thành 10 nhóm giải pháp đã phải rà soát lại rất kỹ để tổng hợp lại để ra những nhóm vấn đề lớn để tập trung thực hiện.
Đại biểu đề nghị đối với nhóm nội dung thứ nhất, chỉ nên giao cho một số cơ quan chuyên môn để tập trung xây dựng hệ giá trị cho nhất quán, đồng nhất, có chất lượng trên toàn quốc.Việc tổ chức thực hiện nên đưa vào các nội dung cụ thể của các nhóm khác.Ví dụ như nhóm nội dung thứ hai về xây dựng môi trường văn hóa, không nên đưa nội dung đào tạo hay tổ chức thực hiện hệ giá trị trong ngành giáo dục, sẽ rất khó thực hiện, mà nên đưa vào xây dựng văn hóa học đường. Xây dựng Văn hóa học đường có chỉ thị của Thủ tướng, có nội hàm, có nội dung rất cụ thể, ngành giáo dục có thể đưa vào nội dung của các cuộc họp, có thể đưa vào các nội dung hoạt động của các trường học, sẽ giúp cho việc xây dựng những giải pháp rõ hơn; hoặc đối với hệ thống công sở, có việc xây dựng văn minh công sở, đây là cơ hội để tổ chức lại những giải pháp rõ ràng; xây dựng văn hóa trong lực lượng vũ trang, đặc biệt theo địa bàn, xây dựng văn minh đô thị và xây dựng văn minh nông thôn…Do vậy, việc đưa vào một số đầu mối để triển khai và phân cấp phân quyền cụ thể cho các địa phương theo địa bàn sẽ thuận lợi trong thực hiện.
Đồng chí Âu Thị Mai, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch phát biểu tại phiên họp tổ.
Đại biểu Âu Thị Mai, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, thống nhất cao với sự cần thiết đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Việc đầu tư Chương trình đã đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hoá đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước; góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Đại biểu nhấn mạnh, với 10 nội dung thành phần, cùng với đó là các giải pháp căn cơ, toàn diện và phù hợp trong từng nhóm lĩnh vực, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng, được cử tri và nhân dân mong đợi, nếu được Quốc hội thông qua sẽ tạo động lực, nguồn lực cho sự phát triển của văn hóa, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời truyền bá, lan tỏa và phát huy những giá trị của văn hóa Việt Nam ra thế giới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm sâu sắc hơn các giá trị văn hóa của dân tộc, cụ thể hóa quan điểm văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng còn có sự trùng lặp giữa Chương trình với các chương trình, dự án khác, như trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai đều có nội dung đầu tư về phát triển văn hóa; nhiều chương trình liên quan đến phát triển văn hóa do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành có nội dung trùng lặp về mục tiêu, đối tượng thụ hưởng, nguồn vốn thực hiện, đồng thời một số nhiệm vụ thuộc các nhóm nội dung thành phần có nhiều nội dung mang tính chất thường xuyên, do đó đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ lưỡng về đối tượng, phạm vi, nội dung của Chương trình với các chương trình, đề án liên quan, tránh chồng chéo, trùng lặp, hoặc bỏ sót đối tượng; đề xuất cơ chế để lồng ghép chính sách, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư.
Đồng tình với kiến nghị của Chính phủ chuyển Dự án số 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào Chương trình, tuy nhiên đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, bảo đảm thống nhất với đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7; đánh giá kết quả thực hiện dự án thành phần số 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn 2021 - 2025; đánh giá tác động, làm rõ sự cần thiết điều chuyển, cơ chế điều chuyển, nhất là về bố trí nguồn vốn và trình tự, thủ tục đầu tư, tránh dàn trải, manh mún.
Về dự kiến nguồn lực thực hiện Chương trình, đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ hơn căn cứ xác định tỉ lệ vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương; làm rõ cơ sở xác định cơ cấu vốn đối ứng từ ngân sách địa phương. Thực tế hiện nay, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ đối ứng vốn ngân sách địa phương để thực hiện chương trình là 5%, các địa phương còn khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Vì vậy chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa dự kiến tỉ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương chiếm 24,6% là không khả thi. Do vậy, đề nghị Chính phủ đánh giá sát hơn khả năng huy động nguồn vốn ngân sách địa phương và tính toán đề xuất mức bố trí ngân vốn sách địa phương phù hợp hơn với tình hình thực tiễn./.