Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục thảo luận tại Tổ vào 02 Dự thảo Luật

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ bảy, sáng 08-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Các đại biểu Quốc hội đã tích cực tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến xây dựng và hoàn thiện các dự án luật.

Đồng chí Phạm Hùng Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XV tỉnh Tây Ninh, điều hành phiên thảo luận Tổ gồm ĐBQH các tỉnh: Tây Ninh, Đà Nẵng, Sơn La và Tuyên Quang.


Đại biểu Quốc hội Lò Thị Việt Hà thảo luận tại Tổ.

Thảo luận tại tổ, đại biểu Lò Thị Việt Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng sự cần thiết phải sửa đổi dự án Luật Phòng, chống mua bán người nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với Điều ước quốc tế; phát huy vai trò phòng, chống mua bán người từ cơ sở và giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi Luật hiện hành. Bên cạnh đó đại biểu đề  nghị Ban soạn thảo rà soát đảm bảo tính thống nhất của dự thảo Luật với các luật hiện hành như Bộ Luật Hình sự, Luật Trợ giúp pháp lý,…

Theo báo cáo lồng ghép bình đẳng giới khẳng định “quy định các chính sách trong dự án Luật đã quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới, không phân biệt, đối xử, đảm bảo quyền lợi bình đẳng cho nam và nữ như nhau theo quy định của pháp luật; đồng thời đảm bảo chế độ hỗ trợ cho các nạn nhân đặc thù là phụ nữ mang thai, đang nuôi con nhỏ; trẻ em; người đồng tính; song tính; chuyển giới; người khuyết tật”. Đại biểu cho rằng nạn nhân của nạn buôn bán người chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và đa số thuộc vùng đồng bào dân tộc ít người, tuy nhiên trong dự thảo Luật vẫn là những qui định trung tính về giới, chưa thể hiện rõ nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới trong phòng, chống mua bán người. Đâị biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm quy định tư vấn về các hình thức buôn bán người và các chính sách hỗ trợ cho phụ nữ đặc biệt là phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.


Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Ma Thị Thúy phát biểu tại Tổ.

Thảo luận tại tổ về Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh khẳng định sự cần thiết sửa đổi dự án Luật Phòng, chống mua bán người được Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới, Bên cạnh đó đại biểu còn nêu những khó khăn, vướng mắc trên thực tế đã được cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Công an nghiên cứu và chuẩn bị rất kỹ lưỡng, bổ sung đầy đủ các quy định tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống mua bán người, đặc biệt là dự thảo luật đã luật hóa các quy định trước đây được hướng dẫn tại các văn bản quy phạm pháp luật; bổ sung thêm phạm vi điều chỉnh là “Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân”, quy định về chế độ hỗ trợ nạn nhân và người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, bao gồm cả hỗ trợ về sinh hoạt, đi lại, hỗ trợ tâm lý, y tế, việc làm, chi phí phiên dịch, trợ giúp pháp lý...; đặc biệt là đã bổ sung quy định “Ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống mua bán người”; quản lý xuất nhập cảnh và trao đổi thông tin để quản lý hoạt động xuất nhập cảnh... phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học, công nghệ thông tin và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.

Thực tế những năm qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an và tổ chức Rồng Xanh tổ chức xác minh, giải cứu được nhiều nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về và hỗ trợ nạn nhân.  Tuy nhiên, đây là tổ chức Phi chính phủ, trong Luật phòng, chống mua bán người hiện hành chưa có quy định về hình thức tổ chức và hoạt động của tổ chức này, đề nghị cần cân nhắc, xem xét có quy định cụ thể để quản lý và tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức có tham gia vào hoạt động xác minh, giải cứu nạn nhân bị mua bán thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh khẳng định, nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật; việc xây dựng, ban hành Luật hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi thông qua xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội; tăng cường trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức hữu quan hỗ trợ, giám sát, giáo dục người chưa thành niên; thiết lập cơ sở giam giữ phù hợp với mục đích phục hồi, giáo dục và sự phát triển của người chưa thành niên; tăng cường cơ hội tái hòa nhập công đồng; xây dựng cơ chế giám sát, giáo dục, phục hồi hiệu quả, chuyên nghiệp, phù hợp với người chưa thành niên.

Đại biểu tham gia một số nội dung cụ thể vào các điều trong Dự thảo luật: Liên quan đến Cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp người chưa thành niên (Điều 27), tại khoản 1 quy định Cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp người chưa thành niên là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Theo Luật Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về trẻ em (khoản 1 Điều 82) và Điều 1 Luật Trẻ em quy định: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”.  Trong khi đó, theo quy định tại Điều 4 dự thảo Luật về giải thích từ ngữ thì có cả đối tượng người chưa thành niên là người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi: đối tượng từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đại biều đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, xem xét quy định tại khoản 1 Điều 27 đảm bảo phù hợp, thống nhất với quy định pháp luật liên quan. Đề xuất giao cho Bộ công sẽ phù hợp hơn

Về Người làm công tác xã hội (Điều 31). Theo quy định tại điểm c khoản 2 dự thảo Luật thì người làm công tác xã hội khi tham gia hoạt động tư pháp người chưa thành niên có nhiệm vụ, quyền hạn ham gia hoạt động lấy lời khai, hỏi cung, nhận dạng, nhận biết giọng nói, đối chất, khám xét người, xem xét dấu vết trên thân thể và tham gia phiên tòa theo quy định của Luật này. Tuy nhiên, đối chiếu với các quy định liên quan trong dự thảo Luật từ Điều 136 đến Điều 139 thì chưa có quy định cụ thể về sự tham gia của người làm công tác xã hội. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nội dung này đảm bảo quy định thống nhất, đầy đủ.

Liên quan đến Tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội (Điều 135). Dự thảo Luật quy định tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội, đề nghị cần cân nhắc không quyết định tách vụ án hình sự vì sẽ phát sinh nhiều vụ án, thêm nhiều thủ tục tố tụng không cần thiết, giữ nguyên như Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành.

Bồi thường cho người chưa thành niên là bị hại (Điều 153), khoản 4 quy định: “Trường hợp người chưa thành niên là bị hại được bồi thường, nhưng người bồi thường không thể thực hiện ngay thì có thể sử dụng kinh phí từ Quỹ Bảo Trợ trẻ em cho họ. Người có nghĩa vụ bồi thường phải thực hiện hoàn trả quỹ theo quy định”.  Quy định như trên thiếu tính khả thi, khó thi hành, không phù hợp với thực tiễn và quy định của Bộ luật dân sự hiện hành.

Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục