Đồng chí Trần Quang Phương, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Chẩu Văn Lâm Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cùng chủ trì buổi thảo luận của Tổ 09 gồm 04 Đoàn ĐBQH các tỉnh Tuyên Quang, Hà Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh điều hành phiên thảo luận tại tổ. |
Tại buổi thảo luận Tổ, đã có 11 lượt đại biểu phát biểu. Các đại biểu đánh giá cao những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, những tháng đầu năm 2022. Dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát tốt, nền kinh tế được mở cửa trong trạng thái bình thường mới, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, các hoạt động văn hóa - xã hội dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều chuỗi cung ứng tiếp tục bị ảnh hưởng, giá cả nguyên liệu đầu vào, nhất là giá xăng dầu tăng cao, nguồn nhân lực lao động thiếu hụt. Các đại biểu cũng chỉ rõ, hiện nay, việc thu hút vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp còn thấp, xuât khẩu nông sản tiểu ngạch chiếm tỷ trọng lớn; việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, quản lý tài sản công, đất đai, tài nguyên còn lãng phí, tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được cải thiện.
Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang) phát biểu thảo luận. |
Các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến kiến nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để phòng, chống vi phạm, tội phạm trong công tác đầu tư, mua sắm, thu chi ngân sách…; rà soát, thống kê, tổng hợp các dự án đầu tư có sử dụng đất, có giải pháp xử lý phù hợp, theo quy định của pháp luật.
Đại biểu Lò Thị Việt Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang) tham gia thảo luận. |
Tham gia thảo luận ở Tổ, các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã đóng góp ý kiến để hoàn thiện báo cáo đánh giá và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2022. Trong đó, đại biểu đề nghị các cấp, các nghành cần quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, vấn đề tạo việc làm cho người lao động. Đồng thời, cần quan tâm hơn nữa đến các chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, từ đó bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách xã hội trong lĩnh vực y tế…
Đại biểu Nguyễn Việt Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang) tham gia thảo luận. |
Các đại biểu trong Tổ cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình xử lý vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cả về quá trình triển khai của các cơ quan liên quan và trong chính quy định tại Nghị quyết. Ví dụ như: quy định về thu giữ tài sản phải có về thỏa thuận thu giữ trong hợp đồng bảo đảm, trong khi các hợp đồng trước khi có Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 hầu như không có thỏa thuận thu giữ nên tổ chức tín dụng rất khó khăn để thỏa thuận lại với khách hàng…Các đại biểu cũng nhất trí Tờ trình về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 và đề xuất Quốc hội sớm phải luật hóa các quy định liên quan đến xử lý nợ xấu.
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục là việc tại hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)./.