Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận tại tổ vào các dự án luật tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV

Ngày làm việc thứ tư, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo các dự án: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Thanh tra (sửa đổi) và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Video không hợp lệ

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XV, ngày 26/5/2022.

Buổi sáng, dưới sự chủ trì của chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, các đại biểu đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau. Đa số ý kiến tán thành với nhiều nội dung được chỉnh lý tại dự thảo Luật. Việc ban hành Luật Cảnh sát cơ động nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013; thống nhất với các quy định của pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động; luật hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; đảm bảo phù hợp với tính chất đặc thù của Cảnh sát cơ động và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới; đồng thời giải quyết một số vấn đề bất cập của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần giữ điều khoản về giải thích từ ngữ, trong đó cân nhắc quy định rõ về biện pháp vũ trang, sử dụng biện pháp vũ trang...

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại các tổ thảo luận vào dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang tiếp tục thảo luận tại tổ thảo luận số 09. Đồng chí Trần Quang Phương, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Chẩu Văn Lâm, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đồng chủ trì và điều hành thảo luận tại tổ.

Các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tổ.

Tại buổi thảo luận, đã có 11 lượt đại biểu phát biểu, góp ý vào dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Ma Thị Thúy nhất trí với sự cần thiết sửa đổi luật để giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh qua hơn 10 năm thi hành. Tham gia vào nội dung cụ thể, đại biểu đề nghị cần tiếp tục duy trì mô hình tổ chức thanh tra cấp huyện như hiện nay. Theo đại biểu, Thanh tra cấp huyện đã có quá trình hình thành và phát triển ổn định, lâu dài. Việc duy trì thanh tra cấp huyện là rất quan trọng, cần thiết, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất về tổ chức với các cơ quan thanh tra ở cấp tỉnh và Trung ương. Đại biểu lý giải thêm, thực tế ở cấp xã không có thanh tra, trong khi có nhiều công việc cần có cơ quan thanh tra thực hiện. Nếu bỏ vai trò thanh tra huyện thì sẽ dễ phát sinh lỗ hổng thanh tra ở cấp chính quyền; từ huyện, đến xã, phường không có cơ quan tiến hành thanh tra, kiểm tra. Trong khi thanh tra cấp tỉnh khó có thể thực hiện được hết các công việc của cấp huyện, xã. Về thanh tra Bộ và việc thành lập thanh tra tổng cục thuộc Bộ, đại biểu đề xuất chỉ quy định một đầu mối thanh tra chuyên ngành tại Bộ để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động của các cơ quan thanh tra, đồng thời bảo đảm tinh gọn bộ máy.


Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy tham gia thảo luận tại tổ.

Đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật theo nội dung được trình bày tại kỳ họp thứ 3 này để đảm bảo tối đa quyền lợi của nhân dân khi tham gia khám chữa bệnh. Đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị xem xét lại phương án giao Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện cấp phép, thu hồi giấy phép hành nghề tại Điều 26 dự án luật. Phương án này không phù hợp với tình hình thực tế, có thể sẽ phát sinh thêm bộ máy để hoạt động kiểm tra, đình chỉ, thu hồi giấy phép hành nghề. Ngoài ra cũng sẽ phát sinh hướng dẫn để giải quyết mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan trong hệ thống tổ chức này. Đại biểu đề nghị, thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề nên thực hiện như hiện nay. Do số lượng cán bộ y tế cả nước rất lớn, Hội đồng Y khoa quốc gia khó bảo đảm được việc cấp, gia hạn, bổ sung chứng chỉ hành nghề được kịp thời.

 Góp ý vào quy định về thời gian gia hạn hành nghề; hồ sơ thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn điều chỉnh giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh của người nước ngoài ở Việt Nam... đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị cần giữ quy định cấp giấy phép hành nghề đối với y sỹ. Bởi vì chức danh này ở vùng núi, vùng khó khăn, hải đảo vẫn còn thiếu cán bộ y tế; nên có quy định các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử theo đúng yêu cầu chuyển đổi số hiện nay./.

Nguyễn Hạnh
Video: tuyenquangtv.vn

Tin cùng chuyên mục