Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ vào dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Chiều ngày 31/5, tại tổ thảo luận số 9 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Tuyên Quang, Hà Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, đã thảo luận tại vào dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.


Đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tổ.

Đồng chí Trần Quang Phương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Đặng Ngọc Huy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đồng chủ trì và điều hành thảo luận tại tổ.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã có 4 lượt đại biểu phát biểu tham gia góp ý vào dự thảo các dự án Luật.


Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Đắc Vinh góp ý vào dự thảo luật.

Tham gia góp vào dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội tỉnh nhất trí với sự cần thiết và phạm vi sửa đổi của dự Luật. Việc sửa đổi luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; đồng thời đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ dự án Luật được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo quy định của Luật ban hành văn bản Quy phạm pháp luật; đảm bảo chính sách dân tộc, lồng ghép giới...


Đại biểu Lò Thị Việt Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang) tham gia thảo luận vào các dự án luật.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý vào một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật như: Đề nghị tiếp tục nghiên cứu tiếp cận quyền con người, đặc biệt là với người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, bởi vì những đối tượng này thường bị bạo lực trong gia đình; nghiên cứu, quan tâm tới các yếu tố tố vùng, miền, đặc điểm, văn hóa, dân tộc trong quá trình xây dựng Luật để có giải pháp phù hợp trong thời gian tới, vì đây là các yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến việc có tố giác hay không tố giác hành vi vi phạm về bạo lực gia đình; bổ sung nội dung, nguyên tắc lấy người bị bạo lực làm trung tâm trong việc hỗ trợ người bị bạo lực, đảm bảo quyền hợp pháp của họ. Đối với hành vi bạo lực gia đình, đề nghị nghiên cứu bổ sung hành vi cưỡng ép tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; hành vi lợi dụng phong tục, tập quán biến tướng gây ra bạo lực gia đình. Mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia gồm những cơ quan, tổ chức nào có trách nhiệm trong công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng, chống bạo lực gia đình; bổ sung rõ hơn các điều kiện, đối tượng, biện pháp thực hiện đối với người bị bạo lực về tinh thần, tình dục...


Đại biểu Âu Thị Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang) tham gia thảo luận.

Góp ý vào dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Dự án Luật được xây dựng, ban hành nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, trong đó liên quan đến phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân.

Đối với nội dung xin ý kiến của dự Luật, đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị quy định một chương riêng về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ tại các loại hình doanh nghiệp, trong đó quy định một số đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước. Việc quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp trong dự án Luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật khi điều chỉnh về thực hiện dân chủ ở các loại hình cơ sở; đối với các nội dung có liên quan đến quan hệ lao động như đối thoại lao động, thỏa ước lao động tập thể...

Các quy định tại chương 3 và chương 4 của dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng hiện nay đang có sự chồng chéo, do vậy đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại quy định cụ thể tại 2 chương này.


Đại biểu Nguyễn Việt Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang) tham gia thảo luận.

Góp ý vào các nội dung cụ thể, đối với việc đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã, đại biểu đề nghị phải là quy định cứng và không có thời hạn, tránh trường hợp cơ sở lựa chọn hình thức ít người tiếp cận. Về nội dung, hình thức cộng đồng dân cư bàn và quyết định, dự thảo có quy định tổ chức cuộc họp cử tri đại diện hộ gia đình, đề nghị cần cụ thể hóa số lượng phải có từ 50% trở lên cử tri hoặc hộ gia đình tham gia hội nghị, đồng thời ngoài họp trực tiếp phát phiếu, cần bổ sung hình thức thông qua các mạng xã hội như: Zalo, Facebook,… Đối với công khai thông tin ở cấp xã, đề nghị quy định thêm về công khai kết quả thực hiện với Nhân dân.../.

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục