Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận tại Hội trường và thảo luận tại tổ

Tiếp theo Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 24-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường và tại tổ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Dự thảo Nghị quyết về cơ chế đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa và một số vấn đề quan trọng khác…
Video không hợp lệ

Quang cảnh kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khoá XV.  Ảnh: Báo đại biểu nhân dân.

Trong chương trình làm việc của buổi sáng, Quốc hội nghe: Tờ trình tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo; Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo; Báo cáo tổng kết và Báo cáo đánh giá tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Tờ trình về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017; Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022., các ý kiến cơ bản tán thành với nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng, công tác lập và triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh có nhiều đổi mới, tiến bộ và kết quả tích cực…

Buổi chiều cùng ngày sau khi nghe Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về: Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; Tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.


Toàn cảnh phiên họp tổ chiều ngày 24/5.

Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang thảo luận tại Tổ 09, có 26 đại biểu 4 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Tuyên Quang, Hà Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang làm Tổ trưởng. Cùng trong tổ 09, có đồng chí Trần Quang Phương Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi); đồng chí Lê Thị Nga Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam); đồng chí Nguyễn Đắc Vinh Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang); đồng chí Hồ Đức Phớc, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài Chính (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định).


Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công làm Tổ trưởng, chủ trì phiên thảo luận tổ. Ảnh: Báo Tuyên Quang.

Tại buổi thảo luận, dưới sự chủ trì của đồng chí Chẩu Văn Lâm, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, đã có 07 lượt đại biểu phát biểu. Về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo… Các đại biểu khẳng định, đây là dự án rất quan trọng. Công tác quy hoạch đường Hồ Chí Minh đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo từ quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, quy hoạch hệ thống đường ngang kết nối đường Hồ Chí Minh với các đầu mối vận tải. Các quy hoạch được phê duyệt đều đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển giao thông - vận tải và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tuy nhiên, các đại biểu đều bày tỏ băn khoăn khi tuyến đường chậm tiến độ so với yêu cầu hoàn thành. Các đại biểu đề xuất Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải cần làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan. Đồng thời có các giải pháp cụ thể để thực hiện trong giai đoạn tới. Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ hơn về thay đổi chiều dài tuyến chính.


Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy thảo luận tại tổ.

Tham gia thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh đặc biệt nhấn mạnh về đoạn tuyến Đèo Muồng đến Ngã ba Trung Sơn hiện vẫn còn là đường đất, nền đường nhỏ hẹp, độ dốc lớn, vào mùa mưa, giao thông bị chia cắt gây khó khăn đi lại. Đoạn tuyến này đi qua địa bàn xã Hùng Lợi (Yên Sơn) với hơn 700 hộ dân sinh sống; cử tri của địa phương cũng nhiều lần kiến nghị về tuyến đường này. Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Quốc hội, Chính phủ  sớm đưa vào đầu tư giai đoạn 2022 - 2025. Qua đó, phát huy giá trị Khu di tích ATK Định Hóa (Thái Nguyên) và Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, huyện Sơn Dương.

Đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Các đại biểu trong tổ cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Nhiều đại biểu cho rằng, nội dung các chính sách mang tinh thần đổi mới phù hợp với Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định tầm nhìn Khánh Hòa đến năm 2045 là “thành phố đáng sống, thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á; là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần giải trình làm rõ thêm về phạm vi, quy mô và sự cần thiết của từng chính sách. Đồng thời, cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo những chính sách này khả thi trong thực tiễn; đảm bảo tính minh bạch, tránh trục lợi chính sách, nhất là những chính sách liên quan đến đất đai, rà soát chặt chẽ trong việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa…

Nguyễn Hạnh
Video: tuyenquangtv.vn

Tin cùng chuyên mục