Đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang và đồng chí La Đăng Tái, Phó Giám đốc Sở Y tế đồng chủ trì hội nghị.
Đồng chí Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ma Thị Thúy phát biểu tại hội nghị. |
Dự hội nghị có các đồng chí: Lê Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Vũ Thị Giang, Phó Trưởng ban Văn hóa-xã hội, HĐND tỉnh; đại diện Lãnh đạo các Sở, ngành: Tài chính, Tư pháp, Công an tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh. Đại diện lãnh đạo các Bệnh viện, Trung tâm Y tế, Trạm Y tế trên địa bàn tỉnh.
Sau gần 11 năm triển khai thực hiện, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật Khám bệnh, Chữa bệnh còn nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh là cần thiết. Nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang phát biểu. |
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có 12 chương, 106 điều. Gồm những quy định chung; quy định về quyền, nghĩa vụ của người bệnh; người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; quy định về khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh; sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; các điều kiện đảm bảo công tác khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh trong thiên tai, thảm họa và dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và điều khoản thi hành.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã có nhiều ý kiến góp ý, thảo luận liên quan đến tên gọi của dự thảo Luật; Bố cục của dự thảo Luật; các quy định trong phần giải thích từ ngữ và một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật... Về thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề, đại biểu đề nghị giữ nguyên như quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành, theo đó Sở Y tế cấp tỉnh cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để giảm tải công việc cho Bộ Y tế và thuận lợi cho các địa phương. Đại biểu cũng cho rằng, việc quy định hồ sơ, thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có thể phát sinh các thủ tục hành chính. Ngoài ra, cần cân nhắc, xem xét quy định sử dụng thành thạo ngôn ngữ tiếng Việt đối với người nước ngoài đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam; về giá trị thời hạn của giấy phép hành nghề, đại biểu đề xuất giữ nguyên như quy định hiện hành; về Hồ sơ bệnh án, đề nghị bổ sung quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử nhằm hỗ trợ tích cực cho người bệnh khi tái khám, đảm bảo việc rút gọn hồ sơ thủ tục trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh; đồng thời đề nghị cần khắc phục những bất cập về thanh toán tiền bảo hiểm y tế, chi trả, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế; công tác Khám, chữa bệnh tại các Bệnh viện...
Lãnh đạo Bệnh viện phục hồi chức năng Hương Sen phát biểu. |
Bên cạnh việc tham gia góp ý vào dự thảo Luật, các đại biểu dự Hội nghị cũng báo cáo về những khó khăn của đơn vị trong quá trình thực hiện công tác khám, chữa bệnh hiện nay, đồng thời đề nghị sửa đổi Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; điều chỉnh phương pháp tính tổng mức thanh toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế hằng năm cho phù hợp với thực tế. Đối với quy định tại Thông tư số 30/2018/TT-BYT ngày 30/10/2018 của Bộ Y tế “Ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, chất phòng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia Bảo hiểm Y tế”, đại biểu cho rằng một số thuốc điều trị ung thư quỹ Bảo hiểm y tế chỉ chi trả ở các mức 30%, 50%, 60%, 70%, do đó bệnh nhân mắc căn bệnh này không có khả năng chi trả. Do vậy, đề nghị tăng mức chi trả của Bảo hiểm y tế cho các loại thuốc điều trị ung thư là 100% nhằm giảm bớt khó khăn cho người bệnh...
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã cảm ơn, ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu, qua đó đã giúp Đoàn có thêm thông tin toàn diện, khách quan để tham gia góp ý xây dựng Luật Khám bệnh, Chữa bệnh (sửa đổi)... Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang tiếp thu, nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ để trình lên Quốc hội, góp phần đảm bảo cho hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc hội đạt hiệu quả tốt nhất; đối với ý kiến kiến nghị của cử tri tại Hội nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp, gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định./.