Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Luật Thanh tra (sửa đổi)

Sáng ngày 17-5, dưới sự chủ trì của đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Luật Thanh tra (sửa đổi).
Video không hợp lệ

Đồng chí Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị.

Tham gia hội nghị có đồng chí Phạm Văn Lương, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; các đồng chí đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy; Ban Nội chính Tỉnh ủy; lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố.

Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 7 chương, 74 điều, quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; cơ sở xã, phường, thị trấn, cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã; cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động…

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 08 chương và 116 điều, quy định cụ thể về Tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra; Thanh tra viên; Hoạt động thanh tra; Thực hiện kết luận thanh tra; Phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra; Điều kiện bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra và Điều khoản thi hành.


Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy góp ý Dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Tham gia góp ý vào dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, các đại biểu đều khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, trong đó liên quan đến phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Các đại biểu cho rằng đây là dự án Luật có tầm ảnh hưởng rất lớn, do đó đề nghị cần tổ chức lấy ý kiến tham gia thảo luận, góp ý vào dự thảo Luật ở nhiều tổ chức, nhiều đối tượng khác nhau để khi Luật được ban hành có tính khả thi. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung một số nội dung, từ ngữ nhằm làm rõ thêm phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật; xem xét tách riêng quy định về thời gian tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức với thời gian tổ chức hội nghị người lao động, trong đó các cơ sở giáo dục đào tạo hoàn thành tổ chức hội nghị phù hợp theo năm học; các đơn vị sản xuất - kinh doanh hoàn thành tổ chức hội nghị người lao động trong quý I của năm tiếp theo; quy định rõ hơn về tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và việc bầu thanh tra nhân dân đối với các cơ quan khối, Công đoàn cơ sở ghép (Cơ quan khối dân... Công đoàn cơ sở Khối Dân Đảng, Công đoàn cơ sở Khối dân... ). Về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ tại các loại hình doanh nghiệp, đại biểu đề nghị quy định một chương riêng, trong đó quy định một số đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước...


Lãnh đạo Thanh tra tỉnh góp ý kiến vào dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Đối với dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), các đại biểu tán thành cao với việc giữ lại Thanh tra cấp huyện, vì cấp huyện là một cấp chính quyền quan trọng, cơ quan thanh tra hiện nay không chỉ thực hiện chức năng thanh tra mà còn có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân huyện thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...; đề nghị quan tâm tới cơ cấu tổ chức của cơ quan thanh tra cấp huyện và Thanh tra Sở, ngành để đảm bảo thực hiện các hoạt động thanh tra thuộc thẩm quyền. Đại biểu dự Hội nghị cũng cho rằng, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh trong lĩnh vực thanh tra có lĩnh vực chưa tương xứng với vị trí, chức năng của Thanh tra tỉnh, làm hạn chế rất lớn hoạt động thanh tra theo phạm vi quản lý nhà nước của Uỷ ban nhân dân tỉnh, làm giảm hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thanh tra, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp; đề nghị bổ sung nội dung và có những quy định nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự chồng chéo, trùng lặp giữa các cơ quan thanh tra với nhau trong quá trình thực hiện chức năng thanh tra, kiểm toán...

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại biểu dự  Hội nghị. Đồng chí khẳng định, đây là cơ sở, căn cứ quan trọng để Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia góp ý vào các dự án Luật tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp đầy đủ ý kiến tham gia góp ý để Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật./.

Nguyễn Hạnh
Ảnh: Ngọc Hưng
Video: tuyenquangtv.vn

Tin cùng chuyên mục