Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận tình hình kinh tế-xã hội 2024

Sáng ngày 27/10/2024 Quốc hội thảo luận tại tổ về Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2025-2027; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý); một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước. Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam.


Các vị đại biểu Quốc hội dự phiên họp tổ.

Các ý kiến thảo luận của đại biểu cơ bản đồng tình, nhất trí với báo cáo của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và thẩm tra của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực; ước cả năm 2024 mục tiêu tổng quát và 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), trong đó chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau nhiều năm không đạt. Các cân đối lớn được bảo đảm, nhất là an ninh năng lượng, an ninh lương thực; 9 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ...

Bên cạnh đó nhiều đại biểu băn khoăn về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp không có địa chỉ, không hoạt động còn lớn, cần rà soát đánh giá rõ hơn về tình hình hoạt động của doanh nghiệp; tình hình lãng phí các nguồn lực xã hội còn rất lớn cần có giải pháp căn cơ hữu hiệu; hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, tồn đọng thuế còn lớn; nâng cao chất lượng xây dựng dư toán ngân sách hàng năm…


Đồng chí Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận kinh tế-xã hội tại phiên họp tổ,

Tham gia thảo luận, đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng cơn bão số 3 vừa qua gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, hạ tầng đối với 26 tỉnh miền núi phía Bắc, Tuyên Quang là tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp bão số 3 đã tổ chức tuyên truyền, di dời kịp thời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, do đó đã giúp giảm thiểu số người bị chết, bị thương. Đại biểu Ma Thị Thúy băn khoăn và đề nghị Chính phủ đánh giá kết quả chỉ tiêu giảm nghèo bền vững đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sát thực tiễn, vì bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho khu vực này, đồng thời khu vực miền núi phía Bắc có tỷ lệ nghèo cao nhất cả nước (11,29% cao gấp 3,85 lần bình quân chung cả nước), trong khi kết quả giải ngân của nhiều dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đạt đến hết tháng 8/2024 chưa như mong muốn (48%), đại biểu đề nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá tác động của cơn bão số 3 đối với phát triển kinh tế-xã hội, nhất là mục tiêu giảm nghèo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Về thực hiện 3 chương trình MTQG, Nghị quyết 111/2024/QH15 của Quốc hội đã tháo gỡ cơ bản vướng mắc cho các địa phương, tuy nhiên việc giao đất ở, đất sản xuất, bố trí di dân vẫn còn vướng mắc, lúng túng, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Quyết định 1719/QĐ-TTg về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Về tháo gỡ vướng mắc BHXH đối với chủ hộ kinh doanh cá thể, nội dung này đã được Quốc hội khoá XV chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết điểm, gây bức xúc cho đối tượng bị ảnh hưởng quyền lợi, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo Nghị quyết 142/2024/QH15 để xử lý dứt điểm vấn đề trên. Về tình hình thi hành hiến pháp và pháp luật, đại biểu cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đã đẩy mạnh “3 đột phá chiến lược” và “6 nhiệm vụ trọng tâm”, các bộ ngành đã tích cực, khẩn trương xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, tuy nhiên vẫn còn một số văn bản hướng dẫn, thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội còn chậm, đại biểu đề nghị cần làm rõ nguyên nhân và quyết liệt hơn nữa trong việc xây dựng ban hành văn bản pháp quy hướng dẫn, quy định cho tiết các điều luật, nghị quyết mà Quốc hội đã thông qua, đặt biệt là 4 luật có ý nghĩa, tác động rất lớn về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước là Luật đất đai, Luật các tổ chức tín dụng, Luật kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở.


Đồng chí Âu Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu thảo luận tại phiên họp tổ.

Tham gia thảo luận, đại biểu Âu Thị Mai nhất trí, đồng tình cao với kết quả kinh tế xã hội đạt được trong 9 tháng đầu năm 2024, đại biểu cho rằng đây là kết của nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đồng hành của doanh nghiệp và Nhân dân. Về những vấn đề quan tâm, Đại biểu đề nghị phải tăng cường tuyên truyền để người dân nhận thức lợi ích của tham gia bảo hiểm trong nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gay ra, đặc biệt sau cơ bão số 3 đã gây thiệt hại rất lớn về sản xuất nông nghiệp, dịch vụ. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp đối với nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; quản lý chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm, nhất là các bếp ăn tại khu công nghiệp, trường học…tình trạng lừa đảo qua không gian mạng; thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có hại cho sức khỏe ngày càng gia tăng, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên sớm đề xuất giải pháp quản lý, phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để kịp thời bảo vệ thanh thiếu niên. Về xóa “nhà tạm, nhà dột nát” đại biểu đề nghị cơ quan chức năng có hướng dẫn “nhà tạm, nhà dột nát” và định mức hỗ trợ cho các hộ gia đình xóa “nhà tạm, nhà dột nát” theo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vừng; đại biểu cũng đề nghị có biện pháp giải quyết những bất cập trong việc chi trả tiền lương hưu, các chế độ trợ cấp không dùng tiền mặt đối với đối tượng ở vùng miền núi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, người dân chưa có phương tiện công nghệ cũng như điều kiện khác đáp ứng chi trả không dùng tiền mặt.


Đại biểu Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh Tuyên Quang phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) đại biểu Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh Tuyên Quang đồng tình với báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế, đại biểu cho rằng chủ trương bổ sung vốn nhà nước tại VCB là rất cần thiết và phù hợp với chủ trương của Đảng, cơ sở pháp lý và thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước để làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. VCB là ngân hàng thương mại cổ phần (NHTM) do Nhà nước sở hữu 74,8% vốn điều lệ, cùng với Agribank, VCB là một trong bốn ngân hàng TMNN lớn nhất hiện nay, đóng vai trò dẫn dắt, công cụ để nhà nước điều hành thị trường tiền tệ và có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, cấp tín dụng cho nhiều dự án quan trọng Quốc gia với nhu cầu vốn đặc biệt lớn, khơi thông cung cấp vốn và các dịch vụ thanh toán cho nền kinh tế. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phê duyệt Phương án chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém cho VCB nhằm cơ cấu, sắp xếp lại các TCTD yếu kém, hướng tới đảm bảo an toàn cho hệ thống TCTD và ổn định kinh tế vĩ mô, khi VCB triển khai tiếp nhận chuyển giao bắt buộc này thì sẽ rất cần tăng năng lực tài chính, đặc biệt là vốn điều lệ để đủ nguồn lực hỗ trợ tài chính cũng như để mở rộng tín dụng làm cơ sở chuyển giao một phần dư nợ cho TCTD yếu kém. Ngoài ra, theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến 2025, định hướng năm 2030 thì VCB đang phấn đấu vươn ra khu vực để nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á về tổng tài sản. Tuy nhiên Hiện nay, vốn điều lệ, tổng tài sản của VCB đang khá thấp so với các ngân hàng trong khu vực và quốc tế. Từ những đánh giá, phân tích trên, đại biểu Nguyễn Việt Hà đề nghị Chính phủ trình Quốc hội đưa nội dung đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV./.

Đỗ Dũng

Tin cùng chuyên mục