Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý vào dự thảo nhiều ý kiến tham gia của đại biểu vào nhiều nội dung: Gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động là người nước ngoài; của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp; về giám sát của Công đoàn; về kinh phí công đoàn; về bảo đảm điều kiện hoạt động, công đoàn...sau tiếp thu chỉnh lý, về cơ bản, Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý, đã bảo đảm: Thể chế hóa kịp thời Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” và một số chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành; bảo đảm Công đoàn Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động, thu hút đông đảo người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Công đoàn Việt Nam; kế thừa những nội dung đã khẳng định được tính hợp lý, ổn định, hiệu quả trong quá trình thi hành Luật Công đoàn hiện hành và sửa đổi một số nội dung để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ở nước ta.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà phát biểu góp ý xây dựng Luật Công đoàn (Sửa đổi).
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh Tuyên Quang đề nghị bổ sung cụm từ: “thực hiện trái quy định” trước hành vi bị cấm: Sa thải, kỷ luật, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; không tiếp tục giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; chuyển người lao động làm công việc khác; bổ sung nội dung trên là nhằm đảm bảo quyền quản lý, sử dụng, giữ kỷ luật lao động hợp pháp của người sử dụng lao động, tránh quy định không rõ ràng dẫn đến tranh chấp giữa người sử dụng lao động với người lao động, cán bộ công đoàn hoặc có trường hợp chuyển người lao động sang công việc tốt hơn. Về quyền gia nhập công đoàn của công dân nước ngoài, đại biểu đề nghị bổ sung rõ nội dung về phạm vi quyền lợi khi tham gia công đoàn của công dân nước ngoài là được giới hạn trong quan hệ lao động,như được hỗ trợ các vấn đề về việc làm, tiền lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, giải quyết tranh chấp lao động nhằm đảm bảo việc công dân nước ngoài gia nhập công đoàn không phát sinh vai trò, chức năng của tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị của Việt Nam. Về phân phối kinh phí công đoàn, đại biểu Nguyễn Việt Hà Cho rằng Dự thảo luật không quy định việc phân phối kinh phí công đoàn khi có nhiều tổ chức đại diện của người lao động, đồng thời bổ sung quy định: “Sau khi thống nhất với Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu, phân cấp thu, phân phối và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của công đoàn.” Việc thiếu quy định trên sẽ dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai trên thực tế, không có cơ sở mang tính nguyên tắc được luật hoá để Chính phủ làm căn cứ thống nhất với Tổng liên đoàn Lao động. Do vậy đại biểu đề nghị bổ sung nguyên tắc phân phối kinh phí công đoàn, trong đó cần nâng cao trách nhiệm của Tổng liên đoàn Lao động về nội dung này. Về các nội dung chi đào tạo của tài chính công đoàn nhiều điểm đang bị trùng lặp, do vậy đề nghị chỉnh lý lại quy định này ngắn gọn theo hướng chi cho các công tác đào tạo nhằm nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn, người lao động./.