Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và Luật Dữ liệu

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, chiều ngày 24/10/2024 Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Luật Dữ liệu.

Luật Bảo hiểm y tế được Quốc hội khóa XII thông qua năm 2008, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 và được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật Bảo hiểm y tế số 46/2014/QH13 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hệ thống pháp luật về bảo hiểm y tế, là cơ sở pháp lý cao nhất để thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Sau 15 năm triển khai thi hành, Luật Bảo hiểm y tế đã thực sự đi vào cuộc sống với 93,3 triệu người tương ứng 93,35% dân số tham gia bảo hiểm y tế, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp của chính sách bảo hiểm y tế theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, là cơ chế bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh về các nội dung: Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế; đa dạng hóa các gói bảo hiểm tế và quy định liên kết với bảo hiểm y tế thương mại; đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến; hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; giám định bảo hiểm y tế; quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế…Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều, được bố cục gồm 2 điều về nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và về hiệu lực thi hành của Luật.

Chuyển đổi số được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Dự thảo Luật Dữ liệu gồm 07 chương, 67 điều quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu.

Phát biểu thảo luận, các đại biểu đều thống nhất cao về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế và ban hành Luật Dữ liệu; các ý kiến thảo luận đề nghị bổ sung nạn nhân bom mìn, học sinh sinh viên, dân quân thường trực và dự bị động viên; nhân viên y tế thôn, bản…được tham gia đối tượng BHYT.


Đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Tham gia thảo luận, đại biểu Ma Thị Thúy đồng tình nhất trí cao với dự thảo Luật BHYT, Dự thảo đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, bất cập của luật hiện hành như: Mở rộng phủ BHYT, chuyển trái tuyến không cần giấy chuyển viện đối với bệnh hiểm nghèo; thanh toán BHYT đối với các bệnh lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt cho người dưới 18 tuổi thay vì 6 tuổi như hiện nay…Bên cạnh đó, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị chuyển đối tượng tham gia BHYT là người hoạt động không chuyên trách cấp xã vào nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT. Vấn đề thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng hiện nay có tình trạng thiếu một số thuốc, vật tư y tế nên nhiều người bệnh phải tự bỏ tiền mua thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục BHYT thanh toán; Nội dung này Bộ Y tế đã có Thông tư 22/2024/TT-BYT tháo gỡ, giải quyết, tuy nhiên đại biểu còn băn khoăn vì Thông tư này có hiệu lực từ 01/01/2025, mặt khác việc thanh toán chi phí BHYT theo Thông tư này phát sinh thủ tục, gây phiền hà cho người dân, đồng thời cơ sở khám chữa bệnh cũng phát sinh khối lượng công việc lớn do phải đối chiếu giấy tờ chúng từ, danh mục thuốc…Về đối tượng tham gia BHYT đồng chí Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị bổ sung một số đối tượng tham gia BHYT đã được quy định trong Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ bao gồm: Đối tượng là người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ được NSNN đóng BHYT; người dân tộc thiểu số thoát khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đại biểu cũng đề nghị rà soát lại quy định về cơ sở khám chữa bệnh có hợp đồng và không có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT tế tại Điều 24 và Điều 31 của Dự thảo nhằm đảm bảo thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo.


Đại biểu Lò Thị Việt Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Phát biểu thảo luận tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Dữ liệu, đại biểu Lò Thị Việt Hà đề nghị cần đánh giá, rà soát kỹ nguồn lực về tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của Trung tâm tổng hợp dữ liệu Quốc gia; ban hành tiêu chuẩn, kỹ thuật để áp dụng thống nhất toàn quốc đối với cơ sở dữ liệu chuyên ngành do cơ quan , tổ chức quản lý, đảm bảo yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Trung tâm tổng hợp dữ liệu quốc gia với hệ thống dữ liệu chuyên ngành đồng bộ. Bổ sung một số cơ sở dữ liệu vào Trung tâm tổng hợp dữ liệu quốc gia như dữ liệu Cổng dịch vụ công Quốc gia, dữ liệu chuyên ngành khác mà hiện nhiều luật đã và đang sđ ban hành là thực hiện hiện đại hoá, điện tử; quan tâm quy định trách nhiệm của cơ quan chủ quản tổng hợp dữ liệu quốc gia về thu thập dữ liệu, cập nhật, quản lý, khai thác tổng hợp dữ liệu Quốc gia. Về quy định thúc đẩy dữ liệu số tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đề nghị rà soát để phù hợp với Hiến pháp về vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn để luật có tính dài hạn hơn; đại biểu Lò Thị Việt Hà cũng bày tỏ đồng tình nhất trí về Quỹ phát triển dữ liệu Quốc gia và Trung tâm dữ liệu quốc gia../.

Đỗ Dũng

Tin cùng chuyên mục