Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại Tổ về một số Dự án luật tại kỳ họp thứ 8

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 8-11, Quốc hội thảo luận tại tổ vào Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).


Đại biểu Lò Thị Việt Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Tham gia thảo luận, đại biểu Lò Thị Việt Hà tán thành sự cần thiết trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý đến năm 2030 với cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn được Chính phủ trình, đại biểu cho rằng ma tuý ảnh hưởng đối với xã hội rất lớn, anh hưởng đến giống nòi, kinh tế, an ninh trật tự, an ninh quốc gia, là nguyên nhân phát sinh tội phạm...Chương trình đã đề ra mục tiêu tổng quát, 03 nhóm mục tiêu cụ thể về giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại và 20 chỉ tiêu, bảo đảm tính bao quát toàn diện, thực hiện trên phạm vi cả nước với 09 dự án thành phần, 06 tiểu dự án, do 08 bộ, ngành chủ trì thực hiện và Bộ Công an chủ trì. Tuy nhiên, đại biểu cũng băn khoăn về Chương trình đề ra nhiều chỉ tiêu cao, khó thực hiện như: 100% điểm, tụ điểm phức tạp về ma tuý, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ ma tuý được phát hiện, triệt phá; kiềm chế tỷ lệ gia tăng người nghiện ma tuý hằng năm dưới 1%; trên 90% người nghiện ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma tuý, người sau cai nghiện được hỗ trợ can thiệp về y tế, tâm lý… trong khi nguồn lực thực hiện còn hạn chế. Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá, phân tích số liệu, kết quả, tỷ lệ vào thời điểm xây dựng Chương trình; dự báo tình hình ma tuý trong giai đoạn tới và giải pháp thực hiện Chương trình, khẳng định tính khả thi của mục tiêu, các chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, còn một số lĩnh vực trong công tác phòng, chống ma tuý chưa được đề xuất nhưng rất cần có giải pháp thực hiện như: Quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, người sau cai nghiện ma tuý; kiểm soát các hoạt động hợp pháp về ma tuý; giảm tỷ lệ người tái nghiện ma tuý sau cai, đào tạo nghề giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý …Về thời gian thực hiện, đại biểu Lò Thị Việt Hà nhất trí giai đoạn thực hiện từ 2025-2030, dự kiến năm 2025 sẽ xây dựng cơ chế chính sách, hướng dẫn, tạo điều kiện triển khai thực hiện chính thức Chương trình từ năm 2026 đến năm 2030. Về nguồn vốn thực hiện chương trình đại biểu cho rằng mức vốn còn hơi thấp khi thực hiện cho cả giai đoạn, vì vậy đề nghị chính phủ cân nhắc có lộ trình bổ sung vốn trung hạn cho chương trình kịp thời trong quá trình thực hiện. Đại biểu cũng băn băn về tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương trong thực hiện chương trình vì địa bàn phức tạp về ma tuý là địa phương rất khó khăn, và khi phân bổ ngân sách trung ương lớn thì vốn đối ứng của các địa phương cũng đồng nghĩ sẽ gặp khó khăn điều này đã thấy khi triển khai 3 Chương trình MTQG. Về nhân lực thực hiện gồm nhiều lực lượng cùng thực hiện, tuy nhiên một số dự án thiếu lực lượng biên phòng, lực lượng công an, do đó cơ quan soạn thảo cần rà soát lại cho phù hợp. Đối với dự thảo nghị quyết Chính phủ rà soát lại các chỉ tiêu để thực hiện khả thi và sát với thực tế, cả nguyên tắc phân bổ vốn và tỷ lệ vốn đối ứng.

Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu tán thành với sự cần thiết, phạm vi sửa đổi, nhiều ý kiến thẩm tra đã cơ bản được tiếp thu trong dự án Luật.Về đối tượng, Về giải thích từ ngữ tôi nhất trí. Về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo đại biểu đồng tình với báo cáo của cơ quan thẩm tra, bởi vì người có ảnh hưởng là người chuyển tải sản phẩm quảng cáo thì tác động đến xã hội rất lớn, dự thảo luật cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung chế tài đối với trường hợp phát hiện người chuyển tải chưa sử dụng sản phẩm quảng cáo hoặc tuy đã sử dụng nhưng kết quả thực tế không đúng như người chuyển tải sản phẩm đã quảng cáo để bảo đảm sức khỏe của người tiêu dùng, bảo đảm tính khả thi của quy định. Về nội dung quảng cáo sản phẩm hàng hóa dịch vụ đặc biệt đại biểu đồng ý phương án giao cho Chính phủ quy định chi tiết vì danh mục hàng hóa đặc biệt sản phẩm hàng hóa đặc biệt thay đổi theo từng thời điểm. Về quảng cáo trên mạng, đại biểu đề nghị với những trang mạng hay link từ nước ngoài cần kiểm soát chặt chẽ những sản phẩm văn hoá không phù hợp với văn hoá Việt Nam.


Đại biểu Âu Thị Mai, Giám đốc Sở văn hóa, Thể thao vào Du lịch phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Tham gia thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy giai đoạn 2025-2030, đại biểu Âu Thị Mai, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhất trí, đồng tình cao với sự cần thiết ban hành Chương trình. Theo đại biểu, hệ lụy xã hội do tệ nạn ma túy là hiểm họa lớn cho toàn xã hội, là một trong những nguyên nhân phát sinh, gia tăng các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định, phát triển, an ninh, an toàn của đất nước. Ma túy hiện nay trở thành một trong những nguy cơ đe dọa đến vấn đề an ninh quốc gia, nổi lên là nguy cơ các đối tượng sử dụng phương thức thủ đoạn mua chuộc, kích động số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, đối tượng phạm tội về ma túy để tham gia thực hiện các hoạt động như khủng bố, phá hoại, thậm chí bạo loạn, phá rối an ninh ở trong nước...Để tập trung giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế và những vấn đề mang tính cấp bách trong công tác phòng, chống ma túy, đại biểu đồng tình với mục tiêu tổng quát, 03 nhóm mục tiêu và 20 chỉ tiêu cụ thể, với 09 dự án thành phần, 06 tiểu dự án như chương trình đề ra.

Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát, tính toán phù hợp, khả thi các chỉ tiêu cụ thể, vì một số chỉ tiêu đưa ra cao và chưa đưa ra được các giải pháp thực hiện, như chỉ tiêu: 100% điểm, tụ điểm phức tạp về ma tuý, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ ma tuý được phát hiện, triệt phá; kiềm chế tỷ lệ gia tăng người nghiện ma tuý hằng năm dưới 1%; trên 90% người nghiện ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma tuý, người sau cai nghiện được hỗ trợ can thiệp về y tế, tâm lý. Đồng thời đại biểu cũng đề nghị xem xét chỉ tiêu về truyền thông: Trên 70% công đoàn ngành, địa phương và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức tuyên truyền về phòng chống ma túy (chỉ tiêu này để quá thấp đề nghị nâng lên 100%); Trên 70% công đoàn cơ sở không có người sử dụng trái phép chất ma túy và vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy (đại biểu đề nghị để ở mức 85%). Đối với nguồn vốn thực hiện Chương trình, Chính phủ đề xuất vốn ngân sách địa phương chiếm khoảng chiếm gần 21%, đại biểu Âu Thị Mai cho rằng việc cơ cấu địa phương đối ứng như vậy là quá cao đối với các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn (trong khi 03 Chương trình MTQG hiện đang thực hiện đối ứng 5-10% nhưng các tỉnh cũng khó khăn trong việc đối ứng), vì vậy đề nghị Chính phủ cần cần xem xét cho phù hợp, bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện.

Đối với Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu Âu Thị Mai cơ bản đồng tình với nội dung dự thảo. Đồng thời đại biểu cũng đề Ban soạn thảo nghị nghiên cứu quy định bao quát hết hoạt động quảng cáo trên không gian mạng như: Facebook, Tiktok, Youtube, Twitter, Zalo, Instagram hay quảng cáo thông qua các hình thức như thư điện tử (email), viber, các thiết bị viễn thông (tin nhắn SMS hay quảng cáo hiển thị trực tuyến…, bảo đảm phù hợp với các quy định liên quan tại Luật An ninh thông tin mạng. Đồng thời cần giải thích rõ về “Bảng quảng cáo”, “Băng rôn quảng cáo”. Về trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, dự thảo Luật đã quy định tương đối đầy đủ trách nhiệm của các Bộ, ngành trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Tuy nhiên, để đảm bảo quản lý hiệu quả hoạt động quảng cáo tại địa phương, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, vì thực tế có nhiều tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động quảng cáo bằng nhiều hình thức khác nhau, nếu chỉ giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo thì không thể thực hiện hết nhiệm vụ, nhất là việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và các hoạt động quản lý nhà nước khác về hoạt động quảng cáo. Về thực hiện đấu giá vị trí quảng cáo ngoài trời, đối với các tỉnh miền núi thì chưa thuận lợi để thực hiện, do có rất ít doanh nghiệp đề xuất xây dựng bảng quảng cáo, vì vậy, Luật cần quy định rõ việc đấu giá đối với hình thức quảng cáo. Về quảng cáo trên báo nói, báo hình, dự thảo Luật quy định thời lượng quảng cáo trong một chương trình truyền hình quá nhiều, trung bình 01 giờ thì mất 20 phút xem quảng cáo, chiếm khoảng 30% thời lượng chương trình. Do đó , đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu xem xét điều chỉnh thời gian quảng cáo phù hợp. Ngoài ra đại biểu cũng đề nghị xem xét quy định về thời hạn thẩm định hồ sơ quảng cáo và chỉnh sửa một số câu từ để đảm bảo chặt chẽ, tránh chồng chéo với các các luật khác.


Đại biểu Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Tham gia thảo luận Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý đại biểu Nguyễn Việt Hà cho rằng cần Chính phủ cần bổ sung tình trạng tái nghiện  trong chương trình phòng chống ma tuý giai đoạn 2021-2025, đồng thời đề xuất bổ sung nội dung giảm tỷ lệ tái nghiện làm 1 trong những chỉ tiêu của chương trình phòng chống mà tuy đến 2030 do tỷ lệ tái nghiện đóng vai trò quan trọng vào kết quả thực chất, triệt để của công tác phòng chống ma tuý, vì hiện nay tỷ lệ tái nghiện ở một số địa phương rất cao ảnh hưởng đến kết quả công tác phòng chống ma tuý của nước ta. Về Đánh giá tính khả thi trong bố chí nguồn lực của chương trình, đại biểu cho rằng đây là một trong những hạn chế của chương trình phòng chống ma tuý giai đoạn 2021-2025, theo báo cáo thì đa số các Bộ, ngành không bố trí được kinh phí hoặc bố trí kinh phí rất hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn để đầu tư cho các Dự án. Do đó tại dự thảo cần báo cáo về tính khả thi trong việc bố trí nguồn lực của chương trình, đồng thời khi phân bổ kinh phí của chương trình thì nên ưu tiên bố trí nguồn ngân sách cho các địa phương có tình hình ma tuý phức tạp, khó khăn về kinh tế. Chương trình cũng cần quy định rõ trách nhiệm của các bộ ngành trong triển khai, nhất là công tác phối hợp giữa các bộ ngành và địa phương. Về Các chỉ tiêu cao như: Các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy phấn đấu được phát hiện, triệt phá 100%; 100% diện tích trồng trái phép cây có chứa chất ma túy phát hiện được triệt phá…đại biểu đồng tình với sự quyết tâm của Chính phủ và Bộ Công an. Về truyền thông, đại biểu Nguyễn Việt Hà đồng tình đưa lỷ lệ lên cao hơn vì công tác truyền thông không tốn nhiều nguồn lực, phong phú cách thức triển khai

Đối với Dự thảo luật Quảng cáo, đại biểu đề nghị xem xét sửa lại đối tượng: “các tổ chức, cá nhân nước ngoài” trong định nghĩa hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. vì quy định như vậy được hiểu là không bao gồm đối tượng là người Việt Nam ở nước ngoài, trong khi hiện nay việc tổ chức, cá nhân Việt Nam ở nước ngoài thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới rất phổ biến. Về trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo cần nghiên cứu lại phạm vi trách nhiệm giữa Bộ Thông tin và truyền thông với các bộ Y tế, Bộ nông nghiệp tránh trùng lặp. Về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu băn khoăn về căn cứ xác định họ là người trực tiếp sử dụng các sản phẩm quảng cáo, đặc biệt là đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo sinh sống ở nước ngoài. Về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo, ngoài những quy định như dự thảo, đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung không gây hiểu lầm về thương hiệu các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ. Vì hiện nay các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ giống nhau rất nhiều, gần giống về tên, bao bì, logo…nhưng chất lượng lại hoàn toàn khác nhau, tránh trục lợi không đúng pháp luật. Đại biểu cũng đề nghị rà soát các luật chuyên ngành liên quan đến Luật Quảng cáo như: Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, Luật Dược, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Hóa chất, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng…đảm bảo sự tương thích, đồng bộ với các quy định có liên quan trong hệ thống pháp luật Việt Nam, đồng thời, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.


Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội phát biểu ý kiến.

Phát biểu với tư cách là cơ quan chủ trì thẩm tra, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho rằng Ủy ban Văn hóa - Giáo dục đồng tình và thống nhất cao với Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Đối với dự án Luật Quảng cáo đồng chí nhấn mạnh dự luật được xây dựng theo hướng coi quảng cáo là ngành công nghiệp văn hóa và các quy định theo hướng hậu kiểm; các quy định về người chuyển tải hoạt động quảng cáo cần quy định chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và tổ chức quảng cáo. Ủy ban Văn hóa - Giáo dục sẽ tiếp thu, rà soát, cân nhắc, đối chiếu với các quy định của pháp luật và thực tế để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

Đỗ Dũng

Tin cùng chuyên mục