Đại biểu Quốc hội tỉnh chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về chính sách tín dụng hỗ trợ sau cơn bão số 3 và phát triển kinh tế xã hội vùng miền núi dân tộc thiểu số

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, sáng 11/11, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ về các lĩnh vực: Ngân hàng, Y tế, Thông tin và truyền thông.


Chủ tịch Quốc hội khai mạc phiên chất vấn.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 2 ngày và được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân theo dõi. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hoạt động chất vấn tại kỳ họp này tiếp tục được thực hiện theo đúng quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đưa hoạt động chất vấn ngày càng trở thành điểm nhấn của mỗi kỳ họp Quốc hội. Trên cơ sở tổng hợp những vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm, tại Kỳ họp này, 03 nhóm vấn đề Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn thuộc trách nhiệm của 03 Bộ trưởng, Trưởng ngành gồm: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ trưởng Bộ Y tế. Cùng tham gia giải trình có các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực và các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề có liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào cuối phiên chất vấn. 


Quang cảnh phiên chất vấn tại hội trường.

Liên quan đến nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng, các nội dung cụ thể gồm: Việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động; công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối; công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19 và thiên tai.


Đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đặt câu hỏi với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào nước ta đầu tháng 9/2024 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống xã hội, gây thiệt hại lớn về người, tài sản, nhiều cây trồng, vật nuôi. Ước tính tổng thiệt hại về kinh tế trên 81 nghìn tỷ đồng, trong đó thiệt hại trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp) là gần 31 nghìn tỷ đồng. Đồng chí Phó Trưởng đoàn đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết các chính sách hỗ trợ đối với các khách hàng vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.


Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn.

Trả lời chất vấn của đại biểu Ma Thị Thúy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau khi cơn bão số 3 xảy ra và có tác động nghiêm trọng với doanh nghiệp và người dân ở 26 tỉnh, thành phố, Ngân hàng Nhà nước đã cử lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước trực tiếp đi khảo sát ở một số tỉnh chịu sự tác động mạnh mẽ của cơn bão số 3 và xác định dư nợ của các địa phương chịu tác động của cơn bão số 3.


Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh dự phiên chất vấn.

Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung quan tâm, rà soát các khách hàng vay vốn tại tổ chức mình để xác định mức độ thiệt hại các khoản dư nợ mà khách hàng và người dân đã vay tại ngân hàng. Theo đó, Số dư nợ tín dụng của các khách hàng cá nhân bị thiệt hại khoảng 190 nghìn tỷ đồng. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân như cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo các quy định hiện hành. Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động của cơn bão số 3. Bên cạnh đó, mỗi tổ chức tín dụng cũng cân nhắc, xem xét của cân đối nguồn vốn mình để đưa ra các gói tín dụng. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến nay đã có 35 tổ chức tín dụng đã công bố với tổng giá trị gói tín dụng là 405 nghìn tỷ đồng để tiếp tục cho vay mới đối với các doanh nghiệp và người dân chịu tác động cũng như các khoản lãi suất cho vay ưu đãi hơn.

Bên cạnh đó ngay sau cơn bão số 3, hệ thống ngân hàng đã thực hiện các hoạt động hỗ trợ, ủng hộ an sinh xã hội khắc phục thiệt hại tại các địa phương với số tiền trên 40 tỷ đồng.


Đại biểu Âu Thị Mai, Giám đốc Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đặt câu hỏi chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Chiều ngày 11-11 tiếp tục chương trình chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Âu Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đặt câu hỏi: Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, trong đó đặt ra mục tiêu nâng cao hiệu quả và mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với các dự án, hộ gia đình, cá nhân, tổ chức phát triển sản xuất, kinh doanh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đến nay đã gần kết thúc giai đoạn 2021-2025, đại biểu Âu Thị Mai đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết kết quả triển khai các chính sách tín dụng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ và giải pháp trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Âu Thị Mai, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Quyết định 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, trong đó giao cho Ngân hàng Nhà nước là đầu mối chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành để tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP. Theo chương trình, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư hướng dẫn về vùng dược liệu, Ủy ban Dân tộc cũng ban hành Thông tư hướng dẫn về các đối tượng được tham gia Chương trình mục tiêu này. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đã ban hành các quy trình, thủ tục để cho vay và theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chương trình mục tiêu quốc gia này được bố trí là 9.000 tỷ đồng, còn nguồn Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành trái phiếu và được Chính phủ bảo lãnh. Đến nay, các khoản cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với Chương trình này đạt 2,3 nghìn tỷ đồng với trên 47.000 khách hàng còn dư nợ, trong đó tập trung chủ yếu vào chính sách đất ở, nhà ở, chuyển đổi nghề. Còn đối với chính sách cho vay vùng dược liệu quý đến nay chưa phát sinh dư nợ. Trên thực tế, khó khăn của Chương trình này vẫn là vấn đề vốn. Theo đánh giá của Ngân hàng Chính sách xã hội, từ nay đến hết năm 2025, cần khoảng 1.500 tỷ nữa thì sẽ hoàn thành Chương trình này. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện nay Ủy ban Dân tộc đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định 1719/QĐ-TTg theo hướng mở rộng đối tượng cũng như nâng mức cho vay. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp để có ý kiến đối với Chương trình này./.

Tuấn Anh

Tin cùng chuyên mục