Tham gia thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật, đồng thời tham gia góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo Luật.
Đại biểu Âu Thị Mai phát biểu tham gia vào dự thảo Luật.
Đại biểu Âu Thị Mai, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch, tham gia góp ý một số nội dung:
Về tài sản đấu giá: đại biểu cho rằng, theo quy định tại dự thảo thì có thể hiểu tất cả các tài sản được liệt kê tại Khoản 1 Điều 1 (Sửa đổi, bổ sung Điều 4) khi bán đều phải được thực hiện thông qua đấu giá và chịu sự điều chỉnh của Luật này. Trong khi thực tế có nhiều tài sản được nhận làm tài sản bảo đảm không cần thiết phải qua thủ tục đấu giá khi xử lý như tiền, giấy tờ có giá. Bên cạnh đó, ngoài biện pháp đấu giá thì tổ chức tín dụng có thể thỏa thuận với bên bảo đảm nhiều biện pháp xử lý khác như nhận chính tài sản bảo đảm hoặc bán hoặc chuyển nhượng cho bên khác. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại cho phù hợp với các quy định hiện hành và tình hình thực tiễn.
Tại điểm b, khoản 9, Điều 1 (sửa đổi, bổ sung Điều 35): đề nghị sửa đổi thành “niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở hoặc chi nhánh nơi thực hiện bán đấu giá tài sản của tổ chức bán đấu giá tài sản, trụ sở của người có tài sản…” để đảm bảo chặt chẽ, phù hợp. Đồng thời, bổ sung thêm việc niêm yết việc đấu giá tài sản tại UBND cấp xã nơi có bất động sản đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư… Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, đấu giá quyền sử dụng đất là một loại tài sản đặc biệt, cần phải cho người tham gia đấu giá có thời gian chuẩn bị về năng lực tài chính, cũng như việc kéo dài thời gian sẽ có thể tăng số lượng người tham gia đấu giá. Do vậy, đề nghị xem xét sửa đổi theo hướng tất cả các trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai phải niêm yết trước ngày mở cuộc đấu giá ít nhất 30 ngày.
Đối với quy định tại Khoản 10 Điều 1 (Sửa đổi, bổ sung Điều 36): đề nghị sửa đổi quy định giao người có tài sản chủ trì và tổ chức hành nghề đấu giá phối hợp tổ chức cho người tham gia đấu giá xem tài sản đấu giá. Vì thực tế, người có tài sản là người quản lý, bảo quản tài sản và chịu trách nhiệm về tài sản, tổ chức đấu giá tài sản không nắm rõ về tài sản như người có tài sản, người quản lý, bảo quản tài sản, do vậy để tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, tổ chức cho người tham gia đấu giá xem tài sản sẽ có trường hợp xảy ra rủi ro như không có hoặc không còn tài sản thực.
Tại Khoản 16 Điều 1 (Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 47): đề nghị bổ sung vào dự thảo luật quy định về “điều kiện đưa tài sản ra bán đấu giá” để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung Luật Đấu giá tài sản năm 2016, như sửa đổi, bổ sung phần giải thích từ ngữ (Khoản 8 Điều 5) để phù hợp với thực tế và đảm bảo việc chọn ra người trúng đấu giá là người trả giá cao nhất; chỉnh sửa Điều 79 (trách nhiệm của UBND cấp tỉnh) theo hướng bổ sung quy định các doanh nghiệp tổ chức đấu giá tài sản phải có trách nhiệm thông báo, báo cáo tình hình tổ chức cuộc đấu giá tài sản với Sở Tư pháp địa phương nơi có tài sản đấu giá; đối với đấu giá quyền sử dụng đất thì tổ chức hành nghề đấu giá phải đăng ký hoạt động với Sở Tư pháp nơi có tài sản là quyền sử dụng đất; đồng thời, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện việc kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp ở địa phương khác đến tổ chức đấu giá tài sản tại tỉnh… để đảm bảo thuận lợi cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện việc kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp ở địa phương khác đến tổ chức đấu giá tài sản tại tỉnh.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà phát biểu tham gia vào dự thảo Luật.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh tỉnh Tuyên Quang tham gia 05 nội dung góp ý vào dự thảo Luật, như:
Tại khoản 1 Điều 1 (Sửa đổi, bổ sung Điều 4): đại biểu đề nghị xem xét lại nội dung này vì tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của các TCTD có những tài sản không quy định tại điều này và theo quy định của pháp luật tài sản bảo đảm cũng không thuộc trường hợp phải đấu giá nhưng khi được chuyển cho tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý thì sẽ bắt buộc phải bán tài sản thông qua đấu giá, điều này là không cần thiết và gây khó khăn, tốn thời gian, chi phí thậm chí gây thiệt hại cho các TCTD và tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng khi thời gian bán đấu giá bị kéo dài làm sụt giảm giá trị của tài sản bảo đảm
Tại khoản 3 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 9): đề nghị bỏ cụm từ “nhằm mục đích trục lợi” tại khoản 1 Điều 9, bởi trong trường hợp đấu giá viên để lộ thông tin người tham gia đấu giá nhưng không có mục đích trục lợi cũng có thể khiến cho việc bán đấu giá tài sản không thực hiện được theo đúng quy định do có thể bị những người tham gia đấu giá lợi dụng thông tin này để cùng móc nối, thông đồng, dìm giá trong quá trình tham gia đấu giá dẫn đến làm sai lệch hồ sơ tham gia đấu giá, kết quả đấu giá tài sản…
Đối với quy định khoản 12 Điều 1 (Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 38): đại biểu đề nghị tăng số ngày thông báo lên ít nhất 2 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá để đảm bảo người không đủ điều kiện tham gia đấu giá có đủ thời gian làm rõ hồ sơ, phản hồi với Tổ chức đấu giá tài sản.
Góp ý vào Khoản 2 Điều 38, đại biểu cho rằng, theo quy định của Luật đấu giá tài sản hiện hành thì tổ chức đấu giá tài sản là doanh nghiệp có chức năng cung cấp dịch vụ đấu giá tài sản thông qua hợp đồng cung cấp dịch vụ với người có tài sản đấu giá, theo Khoản 2 Điều 24 của luật thì Tổ chức đấu giá tài sản có nghĩa vụ thực hiện việc đấu giá tài sản theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định tại Luật này và chịu trách nhiệm về kết quả đấu giá tài sản. Việc đăng ký tham gia đấu giá cũng như việc xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá tại Điều 38 này là một trong những trình tự, thủ tục của quy trình đấu giá tài sản do vậy thuộc trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản. Điều 47 của Luật quy định về nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá cũng không có nghĩa vụ này. Trên thực tế việc xét duyệt các điều kiện của người tham gia đấu giá là việc phức tạp, cần có đào tạo về chuyên môn kiến thức để thực hiện, trong khi dự thảo lần này bổ sung các trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá mới như: “Công ty mẹ, công ty con; các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của doanh nghiệp khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản”. Đây là những đối tượng khó để xác định, trường hợp người có tài sản đấu giá không có chuyên môn, không được đào tạo thì việc triển khai quy định này gây khó khăn trên thực tế, tạo rủi ro cho người có tài sản đấu giá và cũng không đúng nguyên tắc trong giao dịch về cung ứng dịch vụ bán đấu giá tài sản. Do vậy, đề nghị bổ sung nội dung này vào trách nhiệm của Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản.
Tại khoản 15 Điều 1 (sửa đổi bổ sung một số khoản của Điều 43): đề nghị Tổ chức đấu giá tài sản phải thống nhất trước với người có tài sản đấu giá trường đấu giá gián tiếp giữa những người trả giá cao nhất để chọn ra người trúng đấu giá và nêu trong quy chế tổ chức đấu giá, hoặc thống nhất ý kiến với người có tài sản đấu giá tại buổi đấu giá đó nếu chưa được thoả thuận trước… để đảm bảo quyền lợi của người có tài sản đấu giá.
Đối với quy định tại Khoản 16 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 47): Đề nghị rà soát quy định “Người có tài sản đấu giá chịu trách nhiệm về việc xác định giá khởi điểm” với quy định pháp luật có liên quan, trong đó cần phân định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá và người có tài sản đấu giá trong trường hợp người có tài sản đấu giá sử dụng dịch dụ thẩm định giá để xác định giá khởi điểm, bởi vì trên thực tế nhiều người có tài sản đấu giá khi xác định giá tài sản đấu giá thường thuê đơn vị có chức năng thẩm định giá thực hiện. Đồng thời, tại khoản 2 Điều 47 Luật giá năm 2023 quy định thẩm định viên về giá có nghĩa vụ bảo đảm tính chính xác trong quá trình thẩm định giá tài sản; chịu trách nhiệm về chuyên môn trong quá trình thực hiện và bảo đảm báo cáo thẩm định giá tuân thủ các Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam. Việc xác định giá tài sản bán đấu giá là một khâu trọng yếu, có tính quyết định về kết quả bán đấu giá tài sản, đồng thời cũng sẽ phát sinh rủi ro pháp lý nếu thực hiện không thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc./.