Bế mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và hoạt động Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại Kỳ họp

Sáng ngày 29/11/2023, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội đã bế mạc kỳ họp thứ 6 với nhiều nội dung quan trọng được thông qua. Sau 22,5 ngày làm việc, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp.


Quang cảnh phiên họp toàn thể tại Hội trường.

Với tinh thần trách nhiệm cao trước Nhân dân và cử tri cả nước, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương và các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung trí tuệ, nghiên cứu, cho ý kiến, quyết định một khối lượng công việc lớn, có 1533 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 10 phiên thảo luận tổ, 03 phiên thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; 1415 lượt đăng ký, 695 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận và 107 lượt tranh luận tại 30 phiên thảo luận Hội trường; 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký, 152 lượt đại biểu nêu câu hỏi chất vấn và 39 lượt đại biểu tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn… tại kỳ họp, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 07 luật, 09 nghị quyết, cho ý kiến lần 3 đối với 01 dự án luật, cho ý kiến lần 2 đối với 01 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật khác; lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; giám sát tối cao chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4; xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cùng một số nội dung quan trọng khác…Kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục chia thành 2 đợt, để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ có điều kiện chuẩn bị kỹ các báo cáo tiếp thu, giải trình, cung cấp các thông tin cần thiết để Quốc hội xem xét, cho ý kiến, quyết định một cách thấu đáo, khoa học các nội dung trình kỳ họp.


Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc kỳ họp.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận sự quyết tâm, nỗ lực của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng những nội dung của Kỳ họp; mặc dù có những điều chỉnh về chương trình, bổ sung thêm nội dung nhưng vẫn bảo đảm sự thông suốt, linh hoạt, hiệu quả trong điều hành và không kéo dài thời gian của kỳ họp. Các đại biểu Quốc hội đã tập trung nghiên cứu chuyên sâu, kỹ lưỡng, các ý kiến thảo luận thể hiện sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm, phản ánh những vấn đề Nhân dân và cử tri quan tâm; các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, cơ quan tổ chức hữu quan chuẩn bị kỹ lưỡng, cầu thị, tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, giải trình kịp thời, thấu đáo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, nhất là các vấn đề lớn, quan trọng hoặc còn có ý kiến khác nhau nên đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết.


Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh biểu quyết thông qua dự thảo luật, nghị quyết.

Tham dự kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, góp phần vào thành công của kỳ họp. Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tín nhiệm, phân công làm Tổ trưởng thảo luận số 11gồm các đại biểu thuộc 4 Đoàn đại biểu Quốc hội: Tuyên Quang, Tây Ninh, Đà Nẵng và Sơn La.

Các vị đại biểu trong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phát huy trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn, tại các phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã thảo luận sôi nổi, thể hiện rõ quan điểm của đại biểu Quốc hội trong các nội dung, chương trình của kỳ họp. Các bài phát biểu của đại biểu Quốc hội có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, được Chủ tọa kỳ họp, các đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và cử tri đồng tình đánh giá cao. Với 20 lượt đại biểu đăng ký phát biểu ý kiến thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và xây dựng các dự án Luật, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có 18 lượt được tham gia phát biểu thảo luận tại tổ và tại Hội trường (trong đó 12 lượt thảo luận tại Tổ và 06 lượt phát biểu thảo luận tại Hội trường).

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã cùng Quốc hội xem xét về kết quả đánh giá giữa nhiệm kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 và kế hoạch tài chính 3 năm 2024-2026 và các nội dung quan trọng khác… Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025; tiếp tục rà soát hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định của pháp về đầu tư công và pháp luật có liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả đầu tư công; có những giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn để thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia cũng như đẩy nhanh tiến độ chi đầu tư phát triển, góp phần hoàn thành kế hoạch Ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính 3 năm 2024-2026; có giải pháp dài hơi cho các vấn đề liên quan đến đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số; tăng mức đầu tư cho đào tạo đại học, sau đại học, tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo…

Về hoạt động lập pháp: Trước kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý của các sở, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh vào các dự Luật; Tổng hợp, chuẩn bị tài liệu góp ý vào 17 dự thảo dự án Luật với 196 nội dung tham gia góp ý để phục vụ các vị đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận, phát biểu tại kỳ họp; các đại biểu Quốc hội tỉnh chuyên trách công tác tại các cơ quan của Quốc hội đã tham gia tích cực vào các hoạt động thẩm tra các dự án Luật; tiếp thu, chỉnh lý, chuẩn bị dự thảo các nghị quyết của Quốc hội...

Trong kỳ họp, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã tích cực, chủ động nghiên cứu, tham gia góp ý vào sự cần thiết phải sửa đổi, ban hành Luật để giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành luật; đảm bảo đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện nay và phù hợp với thực tiễn. Các ý kiến phát biểu được nghiên cứu, chắt lọc cẩn thận, đúng trọng tâm, trọng điểm… Điển hình, đại biểu Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh tham gia nhiều nội dung quan trọng trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự thảo Luật Đường bộ. Đại biểu cho rằng về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đề nghị cần có những chế định mang tính bắt buộc để có những quy định phù hợp ngay trong Điều 215 của dự thảo luật đất đai lần này để khắc phục tình trạng trên vừa đảm bảo môi trường sống, vừa đảm bảo ý nghĩa đời sống tinh thần của nhân dân. Về dự thảo Luật Bảo xã hội (sửa đổi) đại biểu cho rằng hành vi trốn, chậm, nợ đọng bảo hiểm xã hội bắt buộc được xử lý hình sự theo pháp luật quản lý thuế cho nên không có tình trạng chây ỳ, trốn, chậm đóng, nợ đọng kéo dài. Nếu chúng ta áp dụng kinh nghiệm quản lý thu bảo hiểm xã hội bắt buộc của các nước đó chắc chắn hiệu quả quản lý sẽ được cải thiện, bớt đi việc bàn thảo, sửa đổi luật không cần thiết, giảm nhẹ về quy định về thanh tra, kiểm tra, tố tụng, khiếu kiện, giải quyết, xử lí vi phạm và giảm nhẹ cả bộ phận quản lí thu…. về dự thảo Luật Đường bộ, đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị quy định rõ cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện rà soát, đối chiếu xác định phần đất ở còn lại của các hộ gia đình sau khi thu hồi ở hai bên tuyến đường nằm trong phạm vi hành lang đường bộ có đủ điều kiện làm nhà ở hay không. Trường hợp không đủ điều kiện để xây dựng nhà ở (đúng mục đích sử dụng đất) thì thực hiện thu hồi phần đất ở đó vào dự án. Hay đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu, chỉnh sửa một số nội dung để phù hợp với tình hình thực tế, như: xem xét, bổ sung thêm việc niêm yết việc đấu giá tài sản tại UBND cấp xã nơi có bất động sản đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư; rà soát nội dung về xác định giá khởi điểm của tài sản đấu giá phù hợp với Luật giá năm 2023, trong đó cần bổ sung trách nhiệm của doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá trong trường hợp người có tài sản đấu giá sử dụng dịch dụ thẩm định giá để xác định giá khởi điểm…

Về hoạt động giám sát, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã tích cực, chủ động thực cùng Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao, về giám sát chuyên đề, giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến trách nhiệm giải trình của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; công tâm, khách quan trong tham gia bỏ phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Đặc biệt, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực, tâm huyết trong thực hiện chất vấn đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4. Với 04 lượt đại biểu đăng ký chất vấn và 02 lượt được thực hiện chất vấn tại hội trường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã chất vấn đối với Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về giải pháp khắc phục tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng xử lý các tổ chức tín dụng yếu, kém chưa đạt tiến độ đề ra; khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và giải pháp thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030…

Bên cạnh các hoạt động tại kỳ họp, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh cũng tích cực, chủ động gặp gỡ, kiến nghị với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị Bộ trưởng, trưởng ngành, các Đoàn đại biểu Quốc hội để báo cáo, trao đổi những khó khăn vướng mắc trong phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, đồng thời đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho tỉnh.

Ngay sau Kỳ họp thứ 6, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có kế hoạch nhanh chóng triển khai các các nội dung công tác, trong đó tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri để thông báo nhanh về kết quả của Kỳ họp; đôn đốc, tổng hợp kết quả trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương; thăm, làm việc với huyện Sơn Dương để nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân; tổ chức hoạt động giám sát…/.

Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục