Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ma Thị Thúy cho rằng, Kỳ họp thứ 6 có nhiều đổi mới, công khai, dân chủ. Các báo cáo, dự án luật cơ bản được chuẩn bị tốt, báo cáo thẩm tra có nội dung trọng tâm, cụ thể. Đa số đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường với tinh thần, trách nhiệm và chất lượng cao, các phiên họp toàn thể diễn ra với không khí sôi nổi, với sự tham gia thảo luận tranh luận để thấy được rõ hơn các vấn đề mà đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.
Trong hoạt động lập pháp, đại biểu khẳng định đây là nội dung trọng tâm của Kỳ họp, được chuẩn bị khá công phu, chất lượng và được tiến hành đúng quy trình, thủ tục theo quy định. Với một khối lượng lớn các dự án Luật, Nghị quyết được trình tại kỳ họp, là sự cố gắng rất lớn của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong việc xây dựng, thẩm tra, hoàn thiện các dự thảo Luật, pháp lệnh. Các dự thảo luật, dự thảo nghị quyết trình thông qua được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là có thêm 01 tuần giữa 02 đợt để chỉnh lý, giải trình đầy đủ, thấu đáo các ý kiến góp ý của đại biểu nên đã được Quốc hội thông qua với sự đồng thuận rất cao. Các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến đã góp phần tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, tạo sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật….
Đồng tình với quyết định của Quốc hội trong việc thống nhất chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp này mà chuyển qua kỳ họp gần nhất, đại biểu cho rằng, đây là những dự Luật có tầm quan trọng và có tầm ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng, do đó cần có thời gian để các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện toàn diện dự thảo Luật, đảm bảo tính hợp Hiến, hợp pháp và thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật. Việc lùi lại thông qua dự án Luật thể hiện sự quyết tâm cao của Quốc hội trong công tác xây dựng Luật, không chạy theo tiến độ mà cân nhắc, thận trọng, tìm ra phương án tối ưu nhất vì đây là dự án Luật có tính chất đặc biệt quan trọng, tác động rất lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Điều này là cần thiết để đảm bảo sự ổn định của dự án Luật và phù hợp thực tế sau khi được thông qua, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Trong hoạt động giám sát, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh cho biết, Quốc hội đã giám sát chuyên đề việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; xem xét kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5; giám sát việc giải quyết đơn thư… dành 2,5 ngày tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn…đại biểu đánh giá rất cao việc Quốc giám sát tối cao triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia tại kỳ họp này là để thấy được những vướng mắc, những khó khăn tồn tại hạn chế của các cấp ngành trong triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia, từ đó Quốc hội có nghị quyết để tiếp tục là cơ sở để cho Chính phủ và các Bộ ngành trung ương và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả hơn nhất là Quốc hội đã thống nhất việc tiếp tục giao cho chính phủ tiếp tục thực hiện chuyển nguồn vốn đầu tư từ năm 2021 đến năm 2024 để các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện.
Đánh giá cao trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến trách nhiệm giải quyết của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, đại biểu khẳng định, trong thời gian qua với sự quyết tâm của Quốc hội, cùng với sự chủ động, phối hợp của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, việc xem xét, nghiên cứu, giải quyết các kiến nghị của cử tri đã có những thay đổi tích cực. Nhận thức của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương liên quan đến công tác tiếp nhận, xử lý các ý kiến, kiến nghị cử tri được coi trọng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, đánh giá kết quả trong thực hiện nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực mình. Điều này thể hiện tính cầu thị, trách nhiệm trong tiếp thu của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Việc nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tiếp thu, nghiên cứu, giải quyết kịp thời các kiến nghị của cử tri và Nhân dân đã góp phần quan trọng trong tháo gỡ có hiệu quả những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình trật tự, an toàn xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân. Giải quyết căn cơ tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp là nguyên nhân của việc mất an ninh trật tự ở cơ sở, tạo niềm tin trong cử tri và Nhân dân.
Phiên họp toàn thể tại kỳ họp thứ 6.
Một nội dung giám sát quan trọng tại kỳ họp này là Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Đây là phương thức giám sát quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay đối với những chức danh được lấy phiếu tín nhiệm, đồng thời cũng là dịp để các đồng chí giữ các chức danh do Quốc hội bầu, tự đánh giá và đề ra những giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả hơn các nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách. trên tinh thần “trách nhiệm, công tâm, khách quan” các đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được tiến hành một cách chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai minh bạch và nghiêm túc theo đúng quy định tại nghị quyết 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là kết quả của cả quá trình chuẩn bị khẩn trương, thận trọng, nghiêm túc và trách nhiệm cao của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cư quan, tổ chức hữu quan và những người được lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do quốc hội bầu và phê chuẩn là để các chức danh giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm của ngành mình quản lý điều hành để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ và cũng là cơ sở để xem xét đánh giá cán bộ.
Theo đại biểu Ma Thị Thúy, điểm mới tại Kỳ họp thứ 6 là Quốc hội không chất vấn theo nhóm lĩnh vực của từng Bộ trưởng mà chất vấn chung về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, đây là một hoạt động giám sát tối cao đặc biệt quan trọng, cử tri đánh giá rất cao tinh thần đổi mới, trách nhiệm cao của các vị đại biểu Quốc hội, chất vấn đúng trọng tâm vấn đề đang tồn tại, cấp bách của thực tiễn cuộc sống tạo nên phiên chất vấn thực chất, mang tính xây dựng cao. Chủ tọa kỳ họp điều hành phiên chất vấn linh hoạt, gợi mở nhiều nội dung để người trả lời chất vấn trúng vấn đề, tạo không khí tranh luận sôi nổi, dân chủ. Các đại biểu Quốc hội thẳng thắn đặt câu hỏi chất vấn, theo đuổi tới cùng những nội dung vấn đề chất vấn từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 Bộ trưởng, Trưởng ngành giải trình rõ ràng, thắn thắn, trả lời thấu đáo các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội...
Bên cạnh đó, đại biểu Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh cho biết Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, đó là những vấn đề cấp thiết, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, đảm bảo QPAN của các các địa phương và cả nước. Quốc hội bàn bạc kỹ lưỡng, thận trọng, biểu quyết tập trung, thống nhất cao; có nhiều quyết sách mạnh dạn, thể chế hoá kịp thời các chủ trương, Nghị quyết của Đảng để đưa đất nước vượt qua khó khăn, phục hồi nhanh và phát triển bền vững trong thời gian tới, ví dụ như: Cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư đã bố trí cho các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đến hết ngày 31/12/2024; thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, hay việc Quốc hội bổ sung nội dung đầu tư các dự án xây dựng, cải tạo, sửa chữa, mua sắm đầu tư trang thiết bị các bệnh viện và cho phép chuyển nguồn 2.920,7 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội còn dư để bố trí dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 cho các bộ, cơ quan trung ương triển khai thực hiện các dự án thuộc nội dung đầu tư trên theo quy định…/.