Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Ma Thị Thúy phát biểu.
Tham gia thảo luận, đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh thống nhất với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đồng thời tham gia một số nội dung để tiếp tục hoàn chỉnh dự án luật, cụ thể:
Về Cơ sở dữ liệu đường bộ: Theo đại biểu, tại Điều 8 dự thảo Luật đang quy định cơ sở dữ liệu đường bộ chỉ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực giao thông (như: Cơ sở dữ liệu về quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ; Cơ sở dữ liệu về tình hình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ; Cơ sở dữ liệu thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ…) mà chưa có kết nối, chia sẻ dữ liệu với cấc cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định để kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm tạo lập cơ sở dữ liệu dùng chung, bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí, phục vụ hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước và Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Về phân loại đường bộ theo cấp quản lý: đại biểu cho rằng, tại điểm a, điểm b, điểm c, Điều 10 dự thảo quy định chưa hợp lý. Bởi có nhiều tuyến quốc lộ không xuất phát từ Thủ đô Hà Nội hoặc cũng không phải là đường nối liền các trung tâm hành chính cấp tỉnh; đối với đường tỉnh, đường huyện là những tuyến đường nằm trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh hoặc của huyện nên không thể là đường nối trung tâm hành chính của tỉnh/huyện này với trung tâm hành chính của tỉnh/huyện lân cận được… Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu, chỉnh sửa lại quy định về quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện.
Về Sử dụng hành lang an toàn đường bộ: Theo quy định tại Khoản 2, Điều 19 thì trường hợp đất thổ cư của hộ gia đình nằm trong hành lang an toàn đường bộ đã được pháp luật thừa nhận (do tuyến đường mới được cải tạo, nâng cấp, hành lang an toàn đường bộ được mở rộng, đã cắm mốc lộ giới theo cấp đường mới, phần đất hành lang mở rộng đó nằm trên đất ở của một số hộ gia đình), nhưng chưa được Nhà nước thu hồi, bồi thường theo quy định, trường hợp khi xây dựng công trình không che lấp hệ thống báo hiệu đường bộ, không ảnh hưởng đến tầm nhìn xe chạy trên đường được hiểu có thể được phép xây dựng nhà ở (sử dụng đất đúng mục đích)…đại biểu cho rằng, nội dung quy định như trên chưa phù hợp với nội dung quy định tại khoản 1, Điều 23 về xây dựng, lắp đặt công trình hạ tầng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.
Mặt khác, đối với các công trình đã thi công hoàn thành, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành thì dự án sẽ không còn kinh phí để thực hiện thu hồi, bồi thường phần đất hành lang an toàn đường bộ như dự thảo Luật đường bộ. Trường hợp việc sử dụng đất gây ảnh hưởng đến an toàn công trình đường bộ, an toàn giao thông, che lấp biển báo hiệu, tầm nhìn xe chạy người sử dụng đất phải có biện pháp khắc phục, nếu không khắc phục được thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường theo quy định của pháp luật đất đai. Do vậy, đề nghị quy định rõ cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện rà soát, đối chiếu xác định phần đất ở còn lại của các hộ gia đình sau khi thu hồi ở hai bên tuyến đường nằm trong phạm vi hành lang đường bộ có đủ điều kiện làm nhà ở hay không. Trường hợp không đủ điều kiện để xây dựng nhà ở (đúng mục đích sử dụng đất) thì thực hiện thu hồi phần đất ở đó vào dự án./.