Triển khai thực hiện các khâu đột phá về phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới tại Tuyên Quang

Trong năm 2021, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thời tiết diễn biến bất thường (trong năm đã xảy ra 16 đợt thiên tai); ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, dịch tả lợn Châu Phi, giá cả, thị trường vật tư, nông sản trong nước biến động mạnh. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, hiệu quả của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, vượt qua khó khăn của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân; nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Vùng chè hàng hóa của phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) rộng trên 50 ha, năng suất đạt 30 tấn/ha.

Sản xuất nông nghiệp của tỉnh duy trì tăng trưởng khá, các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp-thủy sản năm 2021 cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp thủy sản tăng trên 5,3% so với năm 2020; GRDP khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản đứng thứ 4/11 tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc. Kinh tế lâm nghiệp phát triển bền vững, công nghiệp chế biến gỗ đứng đầu khu vực miền núi phía Bắc, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quốc tế FSC trên 33 nghìn ha, đứng đầu cả nước. Chương trình xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo quyết liệt, hoàn thành kế hoạch (năm 2021, toàn tỉnh có thêm 09 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới; lũy kế toàn tỉnh có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Tuyên Quang được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020).

Thực hiện mục tiêu, khâu đột phá Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XVII đã lựa chọn “phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới". Cấp ủy, chính quyền tỉnh đã ban hành 14 Nghị quyết, Chương trình, Đề án, Chính sách, Kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2025 để tổ chức thực hiện (trong đó, 01 Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững; 01 Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa, sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới; 2 Đề án và 10 Chương trình, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh) đây là những bước đi, những quyết sách có tính chiến lược; nông nghiệp được cơ cấu lại cụ thể theo các trục sản phẩm chủ lực, đặc sản, xác định không gian vùng cụ thể để phát huy tối đa lợi thế so sánh của địa phương.

Đối với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao việc đột phá, đổi mới cho lãnh đạo Sở, tập trung vào các chỉ tiêu thực hiện khâu đột phá ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.  Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã xác định các nội dung hành động để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện 03 việc đột phá, đổi mới của Giám đốc Sở; giao 03 việc đột phá, đổi mới đối với 03 Phó Giám đốc Sở và 22 việc đột phá, đổi mới, 47 nhiệm vụ trọng tâm cho thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở.

Để tạo nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phối hợp với Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ban hành hướng dẫn thực hiện và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Danh mục hỗ trợ 35 Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phê duyệt Danh mục 83 Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ 5 năm 86,5 tỷ đồng; phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2021 -2025, kinh phí hỗ trợ 14,1 tỷ đồng (Năm 2021 có thêm 49 sản phẩm OCOP, lũy kế 128 sản phẩm OCOP).

Tập trung củng cố kiện toàn và hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, toàn tỉnh có 388 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp (trong năm đã hướng dẫn thành lập mới 67 hợp tác xã, giải thể 16 hợp tác xã). Hệ thống khuyến nông tiếp tục được kiện toàn, củng cố, ban hành Chương trình khuyến nông giai đoạn 2021-2025; nhiều mô hình khuyến nông, liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với các hợp tác xã, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh phát huy hiệu quả, điển hình như: Liên kết sản xuất và tiêu thụ tiêu thụ sản phẩm dưa chuột; liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm ngô sinh khối; liên kết nuôi trâu, bò thịt, cá đặc sản...

Công tác quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại được quan tâm, chú trọng và triển khai tích cực, hầu hết các sản phẩm OCOP của tỉnh có mặt trên các sàn thương mại điện tử. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa, gắn với phát triển kinh tế trang trại, gia trại và phát triển kinh tế hợp tác xã tạo mối liên kết, hợp tác giữa các hộ sản xuất, các trang trại. Hình thành trên 50 liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản (như sản xuất, chế biến chè; gỗ rừng trồng; dong giềng; mật ong; trâu thịt; cá đặc sản..). Có 24 cơ sở được chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc; sản phẩm Cam sành Hàm Yên, Bưởi Soi Hà và Chè Shan tuyết Na Hang đã có chỉ dẫn địa lý.

Bên cạnh kết quả đạt được, nông nghiệp, nông thôn của tỉnh vẫn còn có hạn chế, khó khăn đó là: Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu còn thấp; Bệnh dịch tả lợn Châu Phi chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc chữa trị. Việc khống chế dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Sản xuất theo tiêu chuẩn còn ít; số doanh nghiệp, hợp tác xã trực tiếp sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hoặc liên kết sản xuất, tiêu thụ với nông dân thông qua hợp đồng còn hạn chế. Thực hiện một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới còn chậm và chưa tạo chuyển biến rõ nét, nhất là các tiêu chí: Tổ chức sản xuất, thu nhập, bảo vệ môi trường ở nông thôn. Ảnh hưởng của dịch Covid-19, thiên tai, dịch bệnh vật nuôi, thị trường nông sản có nhiều biến động dẫn đến tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp gặp khó khăn.

Năm 2022, toàn ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, khâu đột phá Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Toàn tỉnh thực hiện quyết liệt chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi sản xuất nhỏ lẻ, phân tán sang sản xuất theo chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa lớn, tập chung; nông nghiệp sẽ phải tổ chức lại sản xuất, chế biến, phân phối nông sản sao cho các nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh cơ bản được sản xuất theo hình thức tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã); ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, tiêu chuẩn chất lượng nông sản hàng hóa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Quyết tâm phấn đấu hoàn thành kế hoạch tăng trưởng ngành trên 4%/năm; sản lượng lương thực trên 34 vạn tấn; đảm bảo tốc độ tăng đàn vật nuôi gắn với an toàn dịch bệnh; trồng mới 9.700 ha rừng; khai thác 1,03 triệu m3 gỗ rừng trồng; toàn tỉnh có thêm 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo tuyenquang.dcs.vn

Tin cùng chuyên mục