Phát huy vai trò của Hội đồng nhân dân tỉnh nhìn từ hiệu quả của một số Nghị quyết đã ban hành

Trong thời gian qua, hoạt động HĐND tỉnh Tuyên Quang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, có dấu ấn và ngày càng khẳng định vai trò cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý kiến, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, nổi bật đó là thực hiện chức năng quyết định và ban hành một số nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Từ năm 2016 đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 358 nghị quyết thuộc các lĩnh vực, kịp thời giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra và điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh. Các nghị quyết HĐND tỉnh xây dựng đảm bảo đúng quy trình và thẩm quyền theo quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khai thác được nội lực, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.  


Thôn Khuôn Thống, Xã Phúc Ninh, Huyện Yên Sơn chỉnh trang khuôn viên, tường rào Nhà văn hóa. Ảnh Viết Kiều.

Một trong những nghị quyết thực hiện có hiệu quả, đi vào cuộc sống là Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐND ngày 13/07/2016 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao, khuôn viên và một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, căn cứ vào điều kiện cụ thể, các xã, các thôn bản trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ 100% cấu kiện bê tông thành mỏng đúc sẵn để kiên cố hóa kênh mương; hỗ trợ 100% xi măng, ống cống (nếu có) và chi phí vận chuyển… để bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa; hỗ trợ xây dựng bằng cấu kiện đúc sẵn gồm: Toàn bộ cột bê tông, vì kèo thép, xà gồ thép, tôn lợp… để xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố hoặc liên thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao, khuôn viên. Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đến năm 2020 toàn tỉnh đã thực hiện kiên cố hóa 1.004 km kênh mương; xây dựng 550 nhà văn hóa xã, thôn, tổ dân phố. Nghị quyết sau khi được ban hành, triển khai đi vào cuộc sống được Nhân dân đồng tình ủng hộ, tổng kinh phí huy động, lồng ghép nguồn vốn và người dân ủng hộ trên 9.500 tỷ đồng, trong đó kinh phí do các doanh nghiệp và Nhân dân đóng góp bằng tiền, hiến đất, ngày công lao động... đạt 1.000 tỷ đồng. Với sự nỗ lực cao, nhiều cách làm sáng tạo, đạt được kết quả tích cực trong triển khai Nghị quyết số 03/2016/NQ- HĐND, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống Nhân dân không ngừng nâng lên.
Nhằm mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, ngày 20/11/2020 HĐND tỉnh quyết nghị và ban hành Nghị quyết số 55/NQ-HĐND thông qua Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 -  2025; tiếp đó là nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND  ngày 15/12/2020 về  hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025; nghị quyết số 88/NQ-HĐND ngày 21/12/2021 thông qua Đề án xây dựng nhà văn hoá thôn, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện bê tông hóa ít nhất 1.080 km đường giao thông nông thôn, ít nhất 200 cây cầu trên đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí Nhà nước dự kiến thực hiện là 788 tỷ đồng; đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã thi công hoàn thành 223,35/223 km đường bê tông giao thông nông thôn, đạt 100,16% kế hoạch giao; 38/38 cầu đang được khẩn trương thi công bàn giao đưa vào sử dụng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Đây là những nghị quyết tiếp tục khẳng định chủ trương đúng đắn của tỉnh về thực hiện các chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng theo phương châm "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ" được Nhân dân đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia thực hiện, mang lại hiệu quả rõ rệt.


Rừng keo cấy mô của bà Bùi Thị Diện, thôn Mỹ Lộc, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) được gần 4 năm tuổi. Ảnh Trang Tâm.

Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018-2021 hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân trồng rừng trên đất quy hoạch là rừng sản xuất đã góp phần nâng cao chất lượng, giá trị rừng trồng, tăng thu nhập cho người trồng rừng, góp phần phát triển kinh tế lâm nghiệp nhanh, vững chắc. Giai đoạn 2016-2020, ngành lâm nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn tỉnh đã trồng được trên 55.400 ha rừng tập trung, hình thành, duy trì ổn định vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng trên 132.000 ha, trong đó diện tích rừng gỗ lớn hơn 69.860 ha; diện tích được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) trên 35.800 ha; công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên ngày càng chặt chẽ, hiệu quả; cơ cấu 03 loại rừng được quy hoạch, điều chỉnh, duy trì hợp lý. Với chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp phù hợp đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất lâm nghiệp, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số cơ sở sản xuất, nhà máy chế biến có quy mô, năng lực sản xuất lớn, sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Đã hoàn thành phương án sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của 05 công ty lâm nghiệp thuộc tỉnh quản lý. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng khá, tăng bình quân 7,5%/năm, chiếm 13% tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; tỷ lệ che phủ rừng duy trì trên 65% (trong đó diện tích rừng tự nhiên chiếm 61%), là một trong những tỉnh có tỷ lệ che phủ cao nhất cả nước. Nhận thức, hiểu biết và chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, nhất là về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái rừng bền vững của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên;  đời sống của người trồng rừng, bảo vệ rừng được cải thiện…

Ngày 16/07/2021 HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết đã bổ sung, thay thế một số chính sách của tỉnh đang được quy định tại 10 nghị quyết của HĐND tỉnh bảo đảm người dân dễ tiếp cận, thiết thực, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh. Các chính sách được ban hành, thực hiện sẽ tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cộng đồng dân cư, chủ trang trại, hộ gia đình, cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới; hết năm 2021 tỉnh có thêm 49 sản phẩm OCOP, nâng tổng số lên 128 sản phẩm OCOP (trong đó có: 95 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 33 sản phẩm đạt hạng 4 sao), giá trị sản xuất nông lâm nghiệp tăng 5,3% so với năm 2020, đóng góp quan trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP toàn tỉnh trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch Covid 19…

Nhằm thực hiện khâu đột phá của tỉnh về phát triển du lịch, ngày 20/12/2021  HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; trong đó tập trung hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ tối thiểu cho nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay); hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm dừng chân phục vụ khách du lịch; hỗ trợ mua sắm thiết bị thu gom rác thải, nhà vệ sinh công cộng tại các điểm du lịch cộng đồng; hỗ trợ mua nhà vệ sinh công cộng tại các khu du lịch; hỗ trợ đội văn nghệ phục vụ du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng; hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà truyền thống của dân tộc thiểu số; xây dựng nhà hàng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; mua, đóng mới tàu cao tốc, tàu chở khách du lịch; ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành; hỗ trợ chi phí đào tạo nghiệp vụ du lịch; hỗ trợ sản xuất mẫu sản phẩm lưu niệm mới phục vụ du lịch. Nghị quyết đang được triên khai thực hiện, sẽ là động lực, điều kiện kích cầu phát triển ngành công nghiệp không khói của tỉnh.

Thùy Linh

Tin cùng chuyên mục