Các đại biểu tham dự Hội thảo nâng cao chất lượng xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL do Sở Tư pháp chủ trì. |
Đổi mới trong công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL được ghi nhận trước hết là các cơ quan soạn thảo đã xây dựng dự thảo văn bản QPPL và tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự thảo văn bản. Các cơ quan, đơn vị soạn thảo đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử và trên trang thông tin điện tử của các cơ quan. Đối với những dự thảo văn bản QPPL ảnh hưởng, tác động sâu rộng đến nhân dân, các cơ quan chủ trì soạn thảo đã gửi xin ý kiến của nhân dân, đồng thời lấy ý kiến tham gia của Ủy ban MTTQ; những dự thảo có liên quan đến đầu tư, kinh doanh cũng đã xin ý kiến của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Các cơ quan được lấy ý kiến cũng đã có trách nhiệm hơn trong việc tham gia ý kiến.
Một trong các khâu then chốt quyết định chất lượng của văn bản QPPL cấp tỉnh được ban hành đó là việc thẩm định văn bản do Sở Tư pháp thực hiện. Trong cơ chế thẩm định văn bản QPPL, Sở Tư pháp đã khẳng định được vai trò là “người gác cổng” về mặt pháp lý. Sở đã thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định gồm các cơ quan, đơn vị có liên quan và tổ chức họp thẩm định, trong đó có mời cơ quan chủ trì soạn thảo tham dự và trình bày trực tiếp. Thông qua họp thẩm định, Hội đồng đã trao đổi trực tiếp với cơ quan soạn thảo những bất hợp lý trong văn bản, hưỡng dẫn kỹ thuật trình bày, soạn thảo, chỉnh sửa dự thảo văn bản giúp cơ quan soạn thảo hiểu và tiếp thu tối đa ý kiến thẩm định. Nhờ sự đổi mới này đã giúp hoàn thiện dự thảo nghị quyết, quyết định, chỉ thị trước khi cơ quan có thẩm quyền thông qua hoặc ký ban hành, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ và khả thi của văn bản QPPL trong triển khai thực hiện. 100% văn bản được thẩm định đúng và trước hạn.
Năm 2017, Sở Tư pháp đã tiến hành thẩm định 4 đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND do UBND tỉnh trình; Sở Tư pháp và các phòng tư pháp huyện, thành phố tổ chức thẩm định 73 dự thảo văn bản QPPL. Nội dung thẩm định đúng quy định và phù hợp với thực tiễn địa phương. Nội dung các văn bản thẩm định đều có phân tích, đánh giá và đưa ra các căn cứ viện dẫn. Nhiều báo cáo thẩm định có chất lượng cao với nhiều nhận xét, đánh giá vừa mang tính tư vấn, vừa có tính phản biện và hướng đề xuất chỉnh sửa cụ thể để giúp cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện văn bản.
Công tác thẩm tra nghị quyết của HĐND cũng có nhiều đổi mới, đặc biệt là đối với cấp tỉnh. Các ban của HĐND tỉnh khi được phân công chủ trì thẩm tra dự thảo nghị quyết đã tích cực, chủ động mời đại diện cơ quan soạn thảo, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp để trao đổi về dự thảo nghị quyết và kết quả thẩm tra. Qua đó, các cơ quan soạn thảo đã trực tiếp trao đổi, tiếp thu các ý kiến thẩm tra. Trong năm 2017 các ban của HĐND đã thẩm tra 45 dự thảo, trong đó cấp tỉnh có 24 dự thảo nghị quyết. Ngoài ra, trước kỳ họp HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã mời đại diện UBND và các cơ quan có liên quan tham dự họp cho ý kiến với một số dự thảo nghị quyết trước khi đưa ra kỳ họp HĐND tỉnh. Từ đó đã thu hút sự tham gia góp ý của các cơ quan liên quan đối với công tác xây dựng văn bản QPPL, góp phần nâng cao chất lượng, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi của các nghị quyết.