Bước phát triển của nông nghiệp Na Hang

Toàn huyện Na Hang hiện có gần 2.000 hộ nông dân chăn nuôi, trồng trọt thu lãi từ 30 triệu đồng trở lên. Một số sản phẩm nông nghiệp như rau Hồng Thái, cá hồ sinh thái Na Hang, đậu tương, đậu xanh Na Hang… bước đầu có chỗ đứng trên thị trường và đang được huyện làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang (ngoài cùng bên phải) trao đổi với nông dân xã Thanh Tương kỹ thuật chăm sóc ngô.

Năm 2017, tổng sản lượng lương thực của huyện đạt 18.610,2 tấn, đạt hơn 100% kế hoạch. Trong đó một số cây trồng đạt và vượt kế hoạch như: Cây đậu tương 300,1 ha, sản lượng 573,2 tấn, đạt 100,8% kế hoạch; cây đậu xanh 57,5 ha, sản lượng đạt 92 tấn, đạt 230% kế hoạch; diện tích chè thực hiện 1.346 ha, đạt hơn 100% kế hoạch. Ngành thủy sản cũng có bước phát triển mạnh mẽ, đến nay toàn huyện có 93 hộ, 3 doanh nghiệp tham gia vào nuôi trồng thủy sản với 675 lồng cá các loại, tăng trên 140 lồng so với năm 2016. Tổng sản lượng thủy sản đạt 657 tấn, vượt 2,3% kế hoạch.

Bà Nguyễn Thị Mến, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, thúc đẩy nông nghiệp trên địa bàn phát triển, huyện đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư, cải cách hành chính. Năm 2017, huyện đã mời Hợp tác xã chè Tân Thái 168 (Tân Thành, Hàm Yên) liên kết với Hợp tác xã Tân Hợp, Tổ hợp tác chè xã Hồng Thái tổ chức thu mua, chế biến chè Shan cho các hộ dân tại xã Hồng Thái; phối hợp với Công ty TNHH MTV Hiệp Hoàng triển khai dự án trồng, cải tạo nâng cao chất lượng chè Shan tuyết, gắn liên kết bao tiêu sản phẩm với các hộ trồng chè trên địa bàn xã Sinh Long.

Huyện thẩm định chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm chè chất lượng cao tại thôn Khuổi Phầy, xã Hồng Thái của Công ty cổ phần Chè núi Kia Tăng và dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến chè tại thôn Phiêng Ngàm, xã Sinh Long của Công ty TNHH MTV Hiệp Hoàng. Giữa tháng 1-2017, huyện đã tổ chức thành công hội nghị liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp tại xã Hồng Thái.

Thực hiện Nghị quyết số 16 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp hàng hóa, năm 2017 huyện hỗ trợ 1.100 kg giống đậu tương, 400 kg giống đậu xanh cho các xã Sinh Long, Yên Hoa và Đà Vị. Huyện triển khai cho các địa phương trồng tập trung 7,3 ha lúa nếp đặc sản tại xã Thượng Nông, 20 ha đậu tương tại xã Sinh Long, 20 ha đậu xanh tại xã Đà Vị, xã Yên Hoa. Đến nay, toàn bộ diện tích đã cho thu hoạch, năng suất trung bình của đậu xanh đạt 16 tạ/ha, đậu tương đạt 19,2 tạ/ha, lúa nếp đặc sản đạt 48 tạ/ha. 

Ông Hoàng Văn Hào, Phó Chủ tịch UBND xã Sinh Long cho biết, năm 2017, xã được hỗ trợ giống triển khai trồng 20 ha đậu tương tại thôn Phiêng Ngàm. Do cây đậu tương khá phù hợp với đồng đất tại địa phương, đến cuối vụ thu hoạch, 20 ha đậu tương cho tổng sản lượng 390 tạ. Từ cây đậu tương, đã có gần 20 hộ ở Phiêng Ngàm thu lãi 10 triệu đồng/vụ. Cây trồng đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.  

Thực hiện Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh, huyện đã giải ngân được 9,2 tỷ đồng hỗ trợ 170 hộ vay vốn, trong đó có 156 hộ được hỗ trợ nuôi trâu sinh sản, 11 hộ được hỗ trợ nuôi trâu đực giống và 2 hộ được hỗ trợ nuôi cá đặc sản... Anh Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Long Giang cho biết, theo Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh, năm 2017, công ty được hỗ trợ 98 triệu đồng để  xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm cá đặc sản. Hiện nay, công ty có 20 lồng cá, nuôi 2 loại cá gồm cá quả, cá lăng. Từ thủy sản, trừ các khoản chi phí, mỗi năm công ty thu lãi trên 200 triệu đồng.

Thúc đẩy ngành nông nghiệp địa phương phát triển, huyện Na Hang tiếp tục đẩy mạnh áp dụng, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật; lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án hỗ trợ để phát triển kinh tế nông nghiệp; xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm để phát triển thị trường tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa.

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục