Nông thôn từng ngày đổi mới

Kết quả cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản do Cục Thống kê tỉnh thực hiện năm 2016 cho thấy, bộ mặt nông thôn đang thay đổi từng ngày, kinh tế dần chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản có chiều hướng giảm; ngành nghề phi nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng.

Nhà văn hóa thôn Hợp Hòa 2, xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang vừa hoàn thành đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân.

Ông Phạm Hùng Sơn, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết: Một trong những nội dung quan trọng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, nông nghiệp là điện khí hóa nông thôn. Xác định được điều này, tỉnh đã quan tâm đầu tư với nhiều chương trình, dự án bằng nguồn vốn trong nước và quốc tế xây dựng các trạm biến áp, hệ thống đường dây tải điện về thôn, bản. Đến nay, đã có 100% số xã có điện lưới quốc gia; có 1.782 thôn có điện, chiếm 98,7%, tăng 64 thôn có điện so với thời kỳ điều tra 2011. Có 169.707 hộ dân nông thôn được sử dụng điện, chiếm tỷ lệ 98,8%. Có điện, các hoạt động sản xuất, dịch vụ phát triển, các cơ sở chế biến nông, lâm sản phát triển nhanh, đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở khu vực nông thôn cũng được nâng lên. Đây cũng chính là yếu tố quyết định tạo nên thắng lợi cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong những năm vừa qua. 

Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hệ thống giao thông nông thôn cũng được đầu tư mở mới và nâng cấp theo hướng hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền. Đến năm 2017, toàn tỉnh hiện có 129 xã có đường ô tô đến trụ sở UBND, trong đó có 119 xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã được trải nhựa và bê tông, chiếm 92,25%, tăng 77 xã so với năm 2011. So với các tỉnh vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, hệ thống đường giao thông nông thôn tỉnh ta được xếp vào loại khá trong vùng cùng với Thái Nguyên, Hòa Bình, Phú Thọ, Lào Cai. 


Cầu treo xã Hùng Lợi (Yên Sơn) được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi.

Giáo dục và đào tạo khu vực nông thôn không ngừng phát triển. Toàn tỉnh có 129 xã có trường tiểu học, THCS. Hệ thống trường, điểm trường được mở xuống tận thôn, bản. Hầu hết các trường đều được kiên cố hóa theo hướng chuẩn quốc gia, đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn. 

Hệ thống cơ sở y tế nông thôn tiếp tục được tăng cường khá toàn diện, trở thành tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu quan trọng của dân cư nông thôn. Đã có 129/129 xã có trạm y tế, có 75 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế,  chiếm 58,14%.

Toàn tỉnh hiện có 74 xã có chợ hoạt động hiệu quả, góp phần lưu thông hàng hóa giữa các vùng miền, đáp ứng nhu cầu dân sinh cho vùng nông thôn ngày càng tốt hơn. 

Thông tin, văn hóa cũng phát triển rất nhanh, trong 5 năm qua số hộ dân sử dụng điện thoại di động tăng từ 80% tăng lên 95%. Nhà văn hóa xã, thôn tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng, cung cấp địa điểm cho nhân dân trong thôn tham gia hội họp và sinh hoạt văn hóa. Toàn tỉnh có 116 xã có nhà văn hóa, đạt 89,22% tổng số xã; trong đó, thành phố Tuyên Quang, Lâm Bình, Na Hang, Hàm Yên có 100% số xã có nhà văn hóa.

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục