Phát triển nghề trồng chè giúp nhiều hộ nông dân thôn Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên) thoát nghèo bền vững. |
Tuyên Quang có diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 586.790 ha, trong đó 70% là đồi núi. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp 85.097 ha; đất lâm nghiệp 441.758 ha (bao gồm cả diện tích đất rừng sản xuất, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ). Tỉnh có 6 huyện và 1 thành phố; 141 xã, phường, thị trấn; 2.096 thôn, bản, tổ nhân dân, được phân loại theo các tiêu chí 3 khu vực, trong đó có 26 xã khu vực I; 54 xã khu vực II; 61 xã khu vực III. Toàn tỉnh có 699 thôn đặc biệt khó khăn, trong đó, xã khu vực II là 127 thôn và xã khu vực III là 572 thôn. Dân số tỉnh Tuyên Quang có 766.872 người, 22 dân tộc, trong đó tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm gần 54% tổng dân số toàn tỉnh.
Trong những năm qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chính sách của Trung ương đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt; hạn chế tình trạng di cư tự do. Thông qua các chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn. Các hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ để tạo quỹ đất, vay vốn để phát triển sản xuất; hỗ trợ nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Một bộ phận người dân được hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư có nơi ở ổn định, có đủ điều kiện để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Đề án thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh được phê duyệt lần này sẽ hỗ trợ đất sản xuất cho 7.644 hộ; hỗ trợ đất ở cho 758 hộ; diện tích 24,5 ha; hỗ trợ nước sinh hoạt cho 15.538 hộ; tiếp tục bố trí sắp xếp ổn định dân cư cho 107 hộ. Phạm vi thực hiện tại 118 xã, trong đó có 61 xã khu vực III; 47 xã khu vực II, 10 xã khu vực I. Kinh phí thực hiện đề án được tính toán là trên 289 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương và trung ương hỗ trợ. Mục tiêu cụ thể của đề án là đến năm 2020 Tuyên Quang sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ 4%/năm trở lên. Phấn đấu thực hiện việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho trên 38% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh; có trên 11% hộ nghèo được vay vốn để tạo quỹ đất sản xuất và thực hiện chuyển đổi nghề; phấn đấu trên 12% hộ nghèo được hỗ trợ thực hiện chuyển đổi nghề (số liệu hộ nghèo tính từ đầu năm 2017).
Đối tượng áp dụng chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo (kể cả vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số) ở các thôn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hộ nghèo (gồm cả dân tộc Kinh) ở các xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn theo tiêu chí hộ nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020; có trong danh sách hộ nghèo đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp; chưa có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất theo hạn mức đất bình quân chung do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định; thiếu nước sinh hoạt; chưa được hưởng các chính sách của Nhà nước hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Riêng các hộ đã được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020, thì không được hưởng chính sách hỗ trợ đất sản xuất và chuyển đổi nghề. Đối tượng áp dụng chính sách tín dụng ưu đãi gồm hộ chưa có hoặc thiếu đất sản xuất theo mức bình quân chung do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định thuộc đối tượng được nêu tại Điểm a, Khoản 3, Điều 3 Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Điểm a, Khoản 2, Điều 1 Thông tư số 02/2017/TT-UBDT ngày 22/5/2017 của Ủy ban Dân tộc, được vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội để tạo quỹ đất hoặc chuyển đổi nghề. Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn có phương án sử dụng vốn vay sản xuất kinh doanh được vay vốn tại ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Gia đình ông Hà Đức Yêu, thôn Ba Hai, xã Nhân Lý (Chiêm Hóa) được hỗ trợ nguồn vốn hộ nghèo xây dựng nhà ở khang trang. |
Đảm bảo đề án triển khai thực hiện có hiệu quả, UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung các chính sách, tiêu chuẩn, đối tượng được thụ hưởng chính sách theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tích cực huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân; huy động nguồn lực cộng đồng, dòng tộc để triển khai thực hiện chính sách đạt hiệu quả, đặc biệt đối với nội dung chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Phát huy vai trò của cơ quan thường trực trong việc kiểm tra, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ, sâu sát và hiệu quả; kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở cơ sở; định kỳ tổ chức đánh giá kết quả triển khai thực hiện Đề án. Đối với chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất: Hằng năm triển khai rà soát xác định rõ nhu cầu hỗ trợ và quỹ đất hiện có để thực hiện chính sách; chủ động phối hợp trong công tác xác định nhu cầu kinh phí hỗ trợ hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện chính sách đảm bảo sát thực tế, hiệu quả. Tiếp tục giao các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện rà soát lại những phần diện tích đang giao các Công ty lâm nghiệp, lâm trường quản lý có khả năng sản xuất nông nghiệp nhưng sử dụng không hiệu quả, không đưa vào quy hoạch sử dụng đất chi tiết của đơn vị để tiếp tục thu hồi và giao đất cho các hộ nhằm đảm bảo đủ đất sản xuất cho các đối tượng được thụ hưởng theo Đề án. Đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng và phát triển rừng cho các hộ dân, hỗ trợ phát triển chăn nuôi, hỗ trợ đào tạo và chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ xuất khẩu lao động cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và người nghèo tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn. Thực hiện hỗ trợ đất sản xuất gắn với công tác quy hoạch, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân để sản xuất ổn định lâu dài. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đến công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách. Lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ tạo quỹ đất để phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho các đối tượng được thụ hưởng vươn lên thoát nghèo bền vững. Hằng năm cân đối nguồn ngân sách địa phương đảm bảo đủ để thực hiện chính sách đất ở theo Đề án được phê duyệt.
UBND tỉnh cũng chỉ rõ giải pháp đối với những hộ không bố trí hỗ trợ được đất sản xuất, thực hiện chuyển đổi nghề; chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán; chính sách tín dụng ưu đãi. Đối với việc bố trí xắp xếp ổn định dân cư: Ủy ban nhân dân cấp xã chủ động rà soát xác định các đầu điểm công trình, nội dung hỗ trợ đề xuất dự kiến kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tiếp tục vận động người dân chấp hành nghiêm chính sách, tự nguyện chấp thuận di chuyển về nơi ở mới theo đúng kế hoạch. Tiếp tục tạo điều kiện về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và thực hiện hỗ trợ khác để các hộ về nơi ở mới yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống, góp phần làm ổn định tình hình tại địa phương.