Đột phá từ nhân giống, nâng cao năng suất, hiệu quả rừng trồng

Qua 4 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững thì dự án sản xuất cây giống lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô là dấu ấn, tạo bước đột phá trong kinh tế ngành.

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất

Ngày 27-5-2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 742/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sản xuất giống keo lai bằng phương pháp nuôi cấy mô, tổng mức đầu tư 5,4 tỷ đồng. Đơn vị thực hiện dự án là Trung tâm thực nghiệm, thực hành và chuyển giao khoa học công nghệ, Trường Đại học Tân Trào với quy mô 1,5 triệu cây/năm. Nếu những năm trước đây, toàn tỉnh có 22 vườn ươm cây giống lâm nghiệp đạt chuẩn thì nay có thêm 1 vườn ươm cây giống của Trường Đại học Tân Trào đảm bảo quy mô và sản phẩm chứa đựng nhiều chất xám để nâng cao giá trị.


Lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và Sở Nông nghiệp - PTNT thăm quy trình
nhân giống keo lai bằng phương pháp nuôi cấy mô tại Trung tâm thực nghiệm, thực hành
và chuyển giao khoa học công nghệ, Trường Đại học Tân Trào tháng 8-2017.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Cương, phụ trách khoa Nông lâm nghiệp của Trường Đại học Tân Trào cho biết, cây giống lâm nghiệp được sản xuất bằng phương pháp nuôi cây mô được các đơn vị trồng rừng, người dân ưa chuộng vì chất lượng cây trồng đảm bảo, ít bị gãy đổ do gió bão. Mặt khác, nếu những năm trước đây, năng suất gỗ rừng trồng chỉ đạt khoảng 50 - 60 m3/ha thì hiện nay do nguồn giống được cải thiện, chất lượng tốt nên năng suất đạt từ 100 - 120 m3/ha, tăng gấp hai lần so với trước đây.

Thực tế về các tỉnh miền Nam, các đơn vị trồng rừng đều khẳng định, cùng là keo lai, nếu thực hiện theo phương pháp giâm hom có tốc độ sinh trưởng từ 20 đến 25 m3/ha/năm nhưng nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô có tốc độ sinh trưởng trên 35 m3/ha/năm. Việc sử dụng cây giống keo lai bằng phương giâm hom có nhược điểm là bộ rễ (không có rễ cọc) nên cây hay bị đổ gẫy. Với giống keo lai nuôi cấy mô có bộ rễ cọc chắc chắn, khỏe thân, nhiều lõi gỗ chắc, khả năng sinh trưởng nhanh gấp 1,5 lần so với keo hom sẽ mang lại hiệu quả cao hơn hẳn.

Tuy nhiên, sản xuất giống keo nuôi cấy mô do phải đầu tư về công nghệ, đội ngũ cán bộ kỹ thuật và cần thời gian dài hơn nên chi phí đầu vào về cây giống thường cao hơn. Song phương pháp nuôi cấy mô lại cho ra giống đồng loạt, số lượng lớn, tỷ lệ sống cao, phát triển tốt.

Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ sinh học

Anh Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm thực nghiệm, thực hành và chuyển giao khoa học công nghệ cho biết, áp dụng công nghệ nhân giống keo lai bằng phương pháp nuôi cấy mô là tìm ra được lời giải cho bài toán nâng cao năng suất rừng trồng và hiệu quả kinh tế lâm nghiệp cho doanh nghiệp và nông dân. Thực hiện dự án, nhà trường đã ký hợp đồng nhận chuyển giao công nghệ sản xuất giống keo lai bằng phương pháp nuôi cấy mô với Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Từ việc tiếp nhận 60 bình giống gốc gồm 3 giống: BV10, BV16, BV33 và 2.000 cây đầu dòng để nhân và trồng thử nghiệm tại trung tâm, đến nay việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ đã thực hiện thành công.

Tính đến đầu tháng 8-2017, trung tâm đã nhân thêm được 7.500 bình, trong đó đưa ra vườn ươm được 140.000 cây giống, số cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn là 35.000 cây, đã xuất vườn được 20.000 cây. Từ nay đến hết năm 2017, trung tâm sẽ sản xuất được 1.000.000 cây mầm, 200.000 cây thành phẩm đủ tiêu chuẩn xuất vườn. Năm 2018 trung tâm sản xuất 1,6 triệu cây giống, năm 2019 sản xuất 1,9 triệu cây và năm 2020 sản xuất trên 2 triệu cây giống. Những con số sản lượng cây giống tăng lên qua từng năm sẽ là tỷ lệ thuận với số người trồng rừng được hưởng lợi.

Ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tuyên Bình chia sẻ, thiếu cây giống chất lượng cao là tình trạng chung của người trồng rừng, nay có được cơ sở sản xuất ngay trên địa bàn đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Còn ông Trần Anh Chương, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Hàm Yên khẳng định, 2 yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất và hiệu quả rừng trồng là cây giống và thời tiết. Cách làm của Trường Đại học Tân Trào góp phần đắc lực vào cải thiện sinh khối rừng trồng; đưa tiến bộ kỹ thuật cao vào sản xuất và phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 diện tích rừng trồng sản xuất đạt khoảng 140.000 ha, có trên 80% diện tích rừng được trồng bằng giống chất lượng cao. Theo mục tiêu trên, tỉnh có chính sách hỗ trợ cây giống lâm nghiệp bằng giống keo lai nuôi cấy mô đối với hộ dân có diện tích trồng rừng từ 0,5 ha trở lên. Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông đều đồng thuận về giống mới chất lượng cao. Hiện nay, tỉnh có chính sách, người trồng rừng có nhu cầu, thêm vào đó là môi trường điều kiện đất đai khí hậu là yếu tố quan trọng cho phát triển kinh tế rừng của Tuyên Quang.

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục