Mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tại thôn Tân Bình 2, xã Bình Xa, huyện Hàm Yên |
Để người dân có mô hình điểm học tập, ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng 9,28 ha cây trồng chủ lực ứng dụng mô hình tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước. Trong đó có 5,18 ha mía thuộc xã Bình Xa, 1,1 ha cam tại xã Yên Lâm (Hàm Yên) và 3 ha chè tại xã Mỹ Bằng (Yên Sơn). Trong số này, dự án ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho mía tại xã Bình Xa đã hoàn thành nghiệm thu, đánh giá hiệu quả và bàn giao hệ thống tưới cho địa phương quản lý, sử dụng.
Mục tiêu của ngành Nông nghiệp tỉnh là đến năm 2020, diện tích cây trồng cạn ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh là 3.230 ha, chiếm 10% tổng diện tích cây trồng cạn chủ lực của toàn tỉnh, với tổng kinh phí trên 241,8 tỷ đồng. Cụ thể, diện tích cây cam ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến là 800 ha, năng suất sẽ đạt khoảng 165 tạ/ha, tăng 33 tạ so với hiện tại; cây chè là 880 ha, năng suất đạt 102,7 tạ/ha, tăng 23,7 tạ so với hiện tại; cây mía 1.550 ha, năng suất đạt 793 tạ/ha, tăng 183 tạ/ha...
Để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp theo mục tiêu Nghị quyết số 16-NQ/Tu ngày 22/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016 - 2025, Hội đồng nhân dân tỉnh vừa ban hành Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn trên địa bàn tỉnh.
Nghị quyết này áp dụng với tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật, cá nhân thực hiện vay vốn theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp để đầu tư hệ thống thiết bị tưới tiết kiệm nước cho cây trồng trên cạn chủ lực tập trung của tỉnh, gồm: cây cam, cây chè, cây mía thuộc vùng quy hoạch trồng cây cạn chủ lực của tỉnh hoặc theo các đề án, chương trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì được hưởng hỗ trợ bổ sung lãi suất vốn vay theo chính sách này.
Theo Nghị quyết, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay của tổ chức, cá nhân trả nợ đúng hạn và sử dụng vốn vay đúng mục đích. Những khoản vay bị chuyển sang nợ quá hạn hoặc sử dụng vốn vay sai mục đích sẽ không được hưởng hỗ trợ kể từ thời điểm phát sinh nợ quá hạn và thời điểm có thông báo của cấp có thẩm quyền về việc sử dụng vốn vay sai mục đích. Trong cùng thời gian, có nhiều chính sách hỗ trợ thì tổ chức, cá nhân chỉ được lựa chọn áp dụng một chính sách hỗ trợ có lợi nhất.
Nội dung hỗ trợ lãi suất vốn vay bao gồm: hệ thống thiết bị tưới tiết kiệm được hưởng hỗ trợ lãi suất vốn vay là nhóm danh mục chủng loại máy, thiết bị theo Thông tư số 08/2014/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Bên cạnh các điều kiện cho vay theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg, tổ chức, cá nhân được hưởng hỗ trợ lãi suất vốn vay bổ sung theo chính sách này khi đáp ứng các điều kiện sau: Mỗi tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất tập trung cây trồng cạn chủ lực (cam, chè, mía) có quy mô diện tích : Đối với cam, cây chè từ 1,0 ha trở lên, đối với cây mía từ 3,0 ha trở lên; Có nguồn nước hỗ trợ đảm bảo cho việc ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước (nguồn từ ao, hồ, đập thủy lợi, kênh mương, sông, suối, giếng khoan…), có phương án áp dụng công nghệ tưới đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và khái toán kinh phí đầu tư.
Ngoài mức hỗ trợ và thời gian được hưởng hỗ trợ lãi suất vốn vay theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg (hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu, hỗ trợ 50% lãi suất trong năm thứ 3), tổ chức, cá nhân được hỗ trợ thêm lãi suất vốn vay như sau: Thời gian được hỗ trợ thêm lãi suất vốn vay tối đa không quá 36 tháng (3 năm), tính từ năm thứ 3; Mức hỗ trợ thêm lãi suất vốn vay hỗ trợ thêm 50% lãi suất trong năm thứ 3, năm thứ 4 và năm thứ 5.
Chính sách khuyến khích phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả ngành Thủy lợi phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, phát huy nội lực, khuyến khích và nâng cao vai trò của người nông dân, doanh nghiệp và tổ chức…trên cơ sở đẩy mạnh xã hội hóa và sự tham gia của ccs thành phần kinh tế, nhất là thành phần kinh tế tư nhân trong tham gia đầu tư ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước. Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa đối với một số cây trồng cạn chủ lực tập trung, có tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh.
Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 10/8/2017.